1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dân lo dự án ô nhiễm, Bí thư Bình Định: "Thải ra biển tôi chịu trách nhiệm"

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều người dân ở thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) không muốn di dời nhường đất làm dự án khu liên hợp gang thép tỷ đô. Lãnh đạo tỉnh thông tin rõ chủ trương để người dân hiểu.

Tỉnh thông tin dự án gang thép, người dân muốn làm du lịch

Ngày 30/5, UBND tỉnh Bình Định thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Dân lo dự án ô nhiễm, Bí thư Bình Định: Thải ra biển tôi chịu trách nhiệm - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng lắng nghe tâm tư của người dân Lộ Diêu (Ảnh: Doãn Công).

Tại buổi thông tin chủ trương của tỉnh, nhiều ý kiến người dân tại thôn Lộ  Diêu bày tỏ không muốn nhường đất cho dự án gang thép vì lo ngại ô nhiễm môi trường, xáo trộn cuộc sống.

Ông Trần Văn Nghĩa (68 tuổi, cựu chiến binh thôn Lộ Diêu) bày tỏ ông không muốn đi khỏi nơi này. Theo ông Nghĩa, nhiều người dân trong thôn bao đời nay gắn bó, sinh sống, làm ăn trên mảnh đất này nên không muốn đi nơi khác.

Ông Đinh Thanh Tiến (68 tuổi, thôn Lộ Diêu) chia sẻ với cuộc sống hiện tại, người dân sinh sống ở nơi có biển, rừng, ruộng đồng, thu nhập ổn định, già trẻ đều có việc. Vì vậy, khi nghe dự án hầu hết bà con rất lo lắng, không muốn đi khỏi nơi an cư lạc nghiệp.

Dân lo dự án ô nhiễm, Bí thư Bình Định: Thải ra biển tôi chịu trách nhiệm - 2

Ông Hồ Đức Minh, người dân thôn Lộ Diêu, nêu ý kiến tại buổi thông tin dự án (Ảnh: Doãn Công).

Ông Hồ Đức Minh (58 tuổi, thôn Lộ Diêu) mong muốn nếu phải làm dự án để phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh nên thay thế dự án gang thép bằng dự án du lịch sinh thái, cộng đồng để giáo dục thế hệ trẻ. 

Ghi nhận ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh dự án chưa triển khai. Lãnh đạo tỉnh đang lắng nghe nguyện vọng của bà con và khi đủ 5 điều kiện, tỉnh mới trình phương án ra trung ương, Chính phủ quyết định.

"Dự án muốn được tỉnh thông qua cần phải đảm bảo 5 nguyên tắc: công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường; sinh kế người dân khi tái định cư; không vi phạm các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận; đặc biệt địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn này được giữ lại như hiện nay", ông Tuấn khẳng định.

"Có mét khối nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm"

Bày tỏ sự chia sẻ với những tâm tư, tình cảm của bà con, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định việc tái định cư sẽ thực hiện ngay tại thôn Lộ Diêu, bà con vẫn ở trên mảnh đất này và đánh cá, tắm biển ở đây.

Dân lo dự án ô nhiễm, Bí thư Bình Định: Thải ra biển tôi chịu trách nhiệm - 3

Hơn 560 hộ dân thôn Lộ Diêu có mặt tại buổi thông tin (Ảnh: Doãn Công).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, hiện thu ngân sách, nếu trừ tiền bán đất, tỉnh chỉ đáp ứng được 40% chi cho nhu cầu địa phương, 60% phải xin Trung ương. Bình Định vốn đi lên từ nông nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn, nếu chỉ dựa vào cây lúa, củ khoai thì kinh tế khó khăn.

"Tất cả những gì chúng tôi làm đều xuất phát từ sự phát triển của quê hương. Với mục đích để quê hương phát triển, đưa tỉnh nhà phát triển sánh vai với các địa phương. Không ai suy nghĩ để làm hại đến nhân dân", ông Dũng nói.

Riêng Nhà máy gang thép Long Sơn, ông Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ gắn liền với cảng biển. Ông Dũng khẳng định bất kỳ nhà máy nào ảnh hưởng đến môi trường sẽ ngay lập tức bị buộc dừng.

Dân lo dự án ô nhiễm, Bí thư Bình Định: Thải ra biển tôi chịu trách nhiệm - 4

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định dự án phải được người dân đồng thuận và đảm bảo các yêu cầu theo quy định mới triển khai (Ảnh: Doãn Công).

"Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác", ông Dũng nói.

Về ý kiến người dân muốn làm dự án du lịch hơn là gang thép, ông Dũng cho biết hiện tỉnh vẫn phát triển du lịch. Tuy nhiên nếu chỉ làm du lịch sẽ không có đóng góp đáng kể vào ngân sách. Vì vậy, cùng với phát triển du lịch cần phải có sự đột phá từ công nghiệp để tạo cú hích.