1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Dân liều mình sống dưới chân núi nứt toác, chính quyền "mất ăn mất ngủ"

Hoàng Tùng NA

(Dân trí) - Khoảng 65 hộ với gần 300 nhân khẩu ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An), sống liều dưới chân 2 ngọn núi đã nứt dài cả trăm mét, nguy cơ sạt lở cao.

Núi Lài và núi Rậm, thuộc xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên được phát hiện bị nứt cách đây khoảng 3 năm. Các vết nứt có nguy cơ sạt lở, dài hàng trăm mét ngay sát nhà dân.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, dưới 2 ngọn núi này có khoảng 600 hộ dân sinh sống, trải dài từ xóm 3, 4, 5,6. Trong đó, có 50 hộ dân, 250 nhân khẩu (xóm 4,5), sống dưới chân núi Lài và 15 hộ dân, 42 nhân khẩu (xóm 3), sống dưới chân núi Rậm.

Dân liều mình sống dưới chân núi nứt toác, chính quyền mất ăn mất ngủ - 1

Vết nứt trên núi Lài (Ảnh: Hoàng Tùng).

60 hộ dân ở các xóm nêu trên nằm trong khu vực nguy hiểm, có hộ chỉ cách chân núi vài mét nên buộc phải di dời khi có mưa lớn, kéo dài.

Ông Phan Anh Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, chia sẻ: "Năm 2019, huyện và xã đã xây dựng dự án chống sạt lở với kinh phí 28 tỷ đồng. Ban đầu, dân sợ nên đề nghị có dự án chống sạt lở nhưng khi bắt đầu triển khai hạ thấp độ cao của ngọn núi để chống sạt lở, dân lại không đồng ý. Mỗi khi có mưa, cán bộ xã và huyện rất lo lắng nhưng dân vẫn quyết không đồng ý, mặc dù xã đã 6 lần vận động dân để dự án được triển khai".

Theo quan sát của phóng viên, tại núi Lài, vết nứt ở vị trí 1/3 ngọn núi từ đỉnh xuống, kéo dài cả trăm mét, độ rộng của vết nứt nơi lớn nhất khoảng hơn 1m. Khi trời mưa to, kéo dài, ngọn núi có nguy cơ sạt lở xuống bất cứ lúc nào.

Dân liều mình sống dưới chân núi nứt toác, chính quyền mất ăn mất ngủ - 2

Các vết nứt ngày càng rộng và dài (Ảnh: Hoàng Tùng).

Chính quyền xã đã xây dựng một bờ kè đá dưới chân núi Lài để bảo vệ các hộ dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Hưng Yên Nam, đây là biện pháp tình thế vì nếu sạt lở lớn, đất, đá có thể đổ tràn qua bờ kè, người dân vẫn phải di dời khi mưa lớn. Do đó cần được sự đồng thuận của người dân để triển khai dự án nhằm đảm bảo an toàn.

Cụ Phạm Trọng Thấm (91 tuổi), nhà ở ngay chân núi Lài, nói: "Ở đây 60 năm rồi, có việc chi mô (gì đâu). Cần chi phải làm dự án, đất trên núi chắc chắn lắm, không sạt mô mà lo".

Bà D., một người dân xóm 3, sống dưới chân núi Rậm, cũng cho rằng: "Nứt lâu rồi, không sao cả, trên núi chủ yếu là đá nên chắc chắn lắm, không sạt được đâu".

Theo quan sát thực tế, nguy cơ sạt lở núi luôn hiện hữu, trường hợp xảy ra sạt lở, có thể vùi lấp cả một ngôi làng.

Dân liều mình sống dưới chân núi nứt toác, chính quyền mất ăn mất ngủ - 3

Hàng chục hộ dân sống ngay dưới chân núi Lài (Ảnh: Hoàng Tùng).

Theo lãnh đạo xã Hưng Yên Nam, nguyên nhân người dân không đồng ý cho triển khai dự án là do họ nghĩ rằng chưa nguy hiểm. Một số người cho rằng, hai ngọn núi này là núi thiêng, sợ mất phong thủy và mất nguồn nước…

"Mỗi khi trời mưa lớn, một số hộ tự đi đến nhà bà con hoặc đến nơi an toàn trú ẩn. Số còn lại xã phải mời đi đến nơi an toàn để trú ẩn. Nếu mưa đến 2 ngày, dân vẫn không chịu di dời, xã phải cưỡng chế.

Những lúc có nguy cơ, xã phải lập tổ công tác, cử người lên trên núi trực, quan sát 24/24h và trực dưới chân núi. Vất vả lắm, chỉ mong dân đồng ý cho triển khai dự án để được an toàn cho dân", Chủ tịch xã Hưng Yên Nam nói.