Dân dựng lều bạt, ngăn không cho xe tải ra vào cảng biển quốc tế
(Dân trí) - Những ngày qua, người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An dựng lều bạt, đưa cả trẻ em để ngăn không cho xe tải ra vào cảng biển quốc tế Vissai đóng tại xã này.
Vì lo sợ ô nhiễm môi trường khi Công ty cổ phần xi măng Sông Lam đang xây dựng một bến bãi chứa than ở vùng cảng tổng hợp nên người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc phản đối, ngăn không cho các loại phương tiện ô tô chở hàng vào cảng.
Anh Đ.V.T., người dân xã Nghi Thiết nói: "Chúng tôi rất lo khi họ xây dựng một bến cảng chứa đầy than sẽ gây ô nhiễm môi trường như nhiều nơi khác…".
Nhận được thông tin người dân chặn xe của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam Nghệ An chở vật liệu vào cảng biển quốc tế Vissai, lực lượng cảnh sát trật tự, giao thông Công an huyện Nghi Lộc được tăng cường để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, trưa và đầu giờ chiều 25/6, để ngăn chặn xe của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam Nghệ An, người dân thay phiên nhau về nhà ăn cơm, dựng lều bạt, đưa ghế và có cả trẻ em túc trực trước khu vực này, không cho xe tải vào cảng Vissai.
Cũng theo người dân xóm Hải Thịnh, từ lâu họ đã đề nghị các cấp, ngành thực hiện cam kết xây dựng một bến đậu, tránh trú an toàn cho khoảng 150 tàu thuyền của ngư dân xóm này nhưng đến nay vẫn chưa được xúc tiến.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), xác nhận có sự việc đó xảy ra và đã được giải quyết ổn thỏa.
"Người dân họ phản đối, ngăn cản xe là do trong cảng Vissai xây dựng một bãi tập kết than. Hôm qua (24/6), họ cũng đã phản ứng rồi, nay lại tiếp tục nhưng đã được tỉnh và huyện xử lý. Hiện chúng tôi đã xử lý xong sự việc với bà con nhân dân cả rồi", ông Thành nói.
Còn ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, khẳng định dân đã giải tán về nhà.
"Nguyên nhân bà con phản đối là trong khu vực cảng biển quốc tế Vissai có một sàng tuyển than, họ sợ ô nhiễm môi trường. Sau khi chúng tôi làm việc thì bà con đã giải tán ai về nhà nấy cả rồi", ông Thọ nói.
Được biết, ngày 23/6, đại diện chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên môn của UBND huyện Nghi Lộc, Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam cùng lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Sông Lam Nghệ An - đơn vị vận hành cảng Vissai đã có buổi đối thoại với người dân.
Trong cuộc đối thoại, người dân ở đây cho rằng từ năm 2017 đến nay phía Công ty cổ phần xi măng Sông Lam hứa cho hai xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh (nay nhập lại thành xóm Hải Thịnh) căn nhà văn hóa nhưng vẫn chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, người dân ở xã Nghi Thiết cũng cho rằng, nhiều hộ dân trong diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng biển quốc tế Vissai chờ được di dời, tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
"Cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhà cửa xuống cấp, không thể sửa chữa và sống quá gần khu vực trạm nghiền. Bà con đã nhiều lần có ý kiến, nhưng họ vẫn không thấy nói gì", anh P.K.T., trú xã Nghi Thiết cho biết thêm.
Chiều 25/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Sông Lam, khẳng định đơn vị chưa xây dựng và khi làm sẽ đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và đây là khu vực trung chuyển, hoàn toàn không đốt than.
"Hiện dây chuyền tuyển than chúng tôi vẫn chưa làm. Khi làm chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lượng, sẽ có báo cáo cơ quan chức năng. Chúng tôi có nói và giải thích cho bà con nên họ nghe cả rồi", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Hoàng Minh Tuấn, việc công ty sản xuất đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và được giám sát tự động.
"Sự cố xảy ra ô nhiễm thì không thể tránh khỏi. Đến nay, công ty cũng đã đi vào hoạt động 6-7 năm rồi, công ty chúng tôi có xảy ra hai sự cố nhưng chỉ diễn ra trong vòng vài phút thôi", ông Tuấn nói thêm.
Được biết, cầu cảng Vissai số 1 dài 2.000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017, đóng ở xã Nghi Thiết. Cầu cảng đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam.
Giai đoạn 2, cụm cảng này đang được xây dựng thêm 2 bến cảng tổng hợp, trở thành một cảng biển quốc tế đa dụng. Sau khi nạo vét luồng lạch có thể phục vụ cho tàu trên 100.000 tấn cập cảng.