Thanh Hóa:
Dân dựng chòi canh cát tặc
(Dân trí) - Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên sông Chu đã gây sạt lở bãi bồi ven sông nghiêm trọng, tàn phá nhiều diện tích hoa màu của người dân. Nguy hiểm hơn, trụ điện cao thế 500 kV nằm cạnh bờ sông cũng đứng trước nguy cơ "biến mất". Để chống nạn “cát tặc”, người dân nơi đây đã phải lập chòi canh giữ ngày đêm.
Theo phản ánh của người dân, tại khu vực bãi Soi, thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt, nhiều tàu thuyền công suất lớn hút cát xuyên đêm. Tình trạng này diễn ra suốt hơn 5 năm qua, người dân đã “kêu cứu” nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng rồi xã cũng bất lực trước nạn "cát tặc" hoành hành.
Để giữ lại một phần đất nông nghiệp canh tác ít ỏi còn lại, người dân đã phải lập chòi canh giữ từng ngày, từng giờ. Cực chẳng đã, nhiều lần người dân phải dùng gạch đá ném không cho các tàu đang cắm vòi rồng ở gần bờ để hút cát.
Bà Nguyễn Viết Tào, 79 tuổi, ở thôn Nguyên Tân cho hay: “Hơn 3 năm nay tàu thuyền hút cát liên tục mất cả ruộng đồng của chúng tôi; ngô, khoai, tre... đều bị trôi sập xuống sông. Bà con chúng tôi tha thiết được xã, huyện quan tâm dẹp nạn "cát tặc "này.
Ông Nguyễn Công Khơi, 64 tuổi, ở thôn Thiệu Tân, xã Thiệu Nguyên bức xúc nói: “Ngày nào cũng như ngày nào, cứ khoảng 10 giờ đêm cho tới 5 giờ sáng là từng đoàn tàu thuyền tiến vào sát bờ ruộng của người dân mà hút cát, hút đầy họ lại đánh thuyền thẳng lên hai bãi cát ở chân cầu Vạn Hà. Bà con đã ý kiến nhiều nhưng xã không giải quyết được. Bằng này tuổi rồi nhưng đêm nào tôi cũng phải ra đây để canh gác, xua đuổi các tàu hút cát trái phép”.
Theo ghi nhận của PV, dọc hai bên bờ sông Chu giáp ranh giữa xã Thiệu Nguyên và xã Thiệu Đô, nhiều bãi bồi đã sạt lở nghiêm trọng, có đoạn bờ sông đã tạo thành “vực” sâu hàng chục mét. Hàng trăm ha hoa màu của người dân bị trôi xuống sông, nguy hiểm hơn một trụ điện cao thế 500kV hiện chỉ nằm cách bờ sông sạt lở chừng 50m cũng đứng trước nguy cơ bị “nuốt trôi”.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên cho biết: “Trên địa bàn xã có 2 điểm mỏ số 04 của Công ty Minh Thịnh và 05 của Công ty Hưng Đô được UBND tỉnh cấp phép từ năm 2009. Lợi dụng được cấp phép mỏ cát, nhiều tàu hút cát trộm cũng như hoạt động hút cát không đúng vị trí đã làm sạt lở đất đai hoa màu của người dân, gây mất an toàn cho lưới điện cao thế”.
Ông Thắng cho biết thêm, để chống lại nạn khai thác cát trái phép, UBND xã đã cho thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên cát với 13 tổ viên là người dân trong xã, trang bị 1 thuyền tuần tra bảo vệ cát trên sông, xây dựng 1 chòi canh và 2 trạm quan sát “cát tặc” thay phiên nhau tuần tra bảo vệ bờ sông.
Tuy nhiên, ông Thắng phân trần, do lực lượng chức năng mỏng, các đối tượng "cát tặc" hoạt động chủ yếu vào ban đêm, đôi khi còn chống đối, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra các đối tượng sẽ bỏ chạy nên xã không thể giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép được.
Liên quan đến vấn đề “cát tặc” hoành hành trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, ngày sáng 9/4, hàng trăm người dân xã Thiệu Đô cũng đã tập trung đến trụ sở UBND xã và bờ sông Chu - nơi diễn ra việc khai thác cát để yêu cầu trả lời có hay không việc chính quyền xã “tiếp tay” cho "cát tặc" lộng hành. Lãnh đạo xã này đã phải đối thoại trực tiếp với dân tuy nhiên người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Ông Lê Xuân Đoàn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho biết: "Tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn rất phức tạp, các đối tượng khai thác tinh vi thường chọn vào buổi trưa, tối, trong khi đó lực lượng mỏng, nhân lực không đủ nên rất khó ngăn chặn. Huyện cũng đã nhiều lần đề nghị sự vào cuộc đồng bộ từ các ban ngành liên quan, nhất là các lực lượng Công an, cảnh sát đường sông”.
Bình Minh