Dân chủ quan vì động đất "như cơm bữa", cán bộ đi từng nhà nhắc cảnh giác
(Dân trí) - Sau khi ghi nhận một ngày xảy ra liên tiếp 11 trận động đất ở Kon Tum, chính quyền địa phương đã gõ cửa từng nhà để hướng dẫn người dân chủ động ứng phó khi có động đất.
Như Dân trí đã thông tin, trong ngày 23/8, địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) ghi nhận 11 trận động đất liên tiếp; trong đó trận mạnh nhất lên đến 4,7 độ richter.
Ghi nhận của PV Dân trí tại tâm chấn động đất, nhiều người dân ở các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên… - khu vực xung quanh lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum đã cảm nhận được rung chấn mạnh.
Bà con hoang mang và chạy ra khỏi nhà lúc rung chấn mạnh. Tuy nhiên, tâm lý người dân bắt đầu chủ quan khi cảm nhận mặt đất rung lắc "như cơm bữa"
Anh A Khinh (43 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết: "Khi cảm thấy mặt đất rung lắc mạnh, tôi cũng như hàng xóm đều chạy ra ngoài vì sợ vật dụng và mái nhà rơi xuống. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, động đất liên tục xảy ra nên người dân cũng không còn quá lo sợ như khi mới có hiện tượng này nữa".
Ông A Hương - Trưởng thôn Đăk Tăng - cho biết thôn có hơn 100 hộ dân thường sống trên các đỉnh đồi cao. Chính vì vậy mà nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, đặc biệt là khi có rung chấn luôn hiện hữu.
Những ngày vừa qua, liên tục xảy ra các trận động đất. Trước đây, người dân rất hốt hoảng nhưng giờ lại mang tâm lý chủ quan.
"Tôi thường cùng với chính quyền địa phương đến từng nhà để nhắc nhở người dân thay mái ngói thành mái tôn chắc chắn, tránh nguy hiểm mỗi khi động đất tạo ra rung chấn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có nguyên nhân chính thức về động đất. Từ đó lên phương án để khắc phục, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân", ông A Hương cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng - cho biết: "Người dân ở vùng tâm chấn, nơi thường xảy ra động đất thường có tập quán sống nhà đầm, nhà rẫy trong một thời gian dài. Chính vì vậy mà việc cập nhật thông tin về động đất và các phương pháp ứng phó còn hạn chế. Chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp như in tờ rơi, thông tin qua mạng zalo, loa phát thanh và đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ việc xử lý khi có sự cố động đất".
Để người dân không chủ quan, lơ là, nhất là lúc động đất xảy ra, chính quyền xã luôn chủ động tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi và cập nhập nhanh thông tin về các trận động đất.
Địa phương cũng mong muốn cơ quan chức năng mời chuyên gia về giải thích, hướng dẫn cho người dân cách ứng phó khi các trận động đất diễn ra.
Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - cho biết: Trong thời gian vừa qua, huyện đã tuyên truyền người dân ứng phó động đất theo phương châm 4 tại chỗ.
UBND huyện Kon Plông đang kiến nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng của động đất.
Đôn đốc thủy điện Thượng Kon Tum sớm hoàn thành việc lắp đặt các trạm quan trắc để phục vụ đo đạc, nghiên cứu về động đất để sớm cảnh báo cho người dân.
Trong 2 ngày 24 và 25/8, Đoàn công tác văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã có mặt tại huyện Kon Plông để nắm tình hình và lên phương án ứng phó về tình hình động đất.