Đảm bảo an sinh là ưu tiên của nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội tại Nghệ An
(Dân trí) - Có 23 ứng cử viên đại biểu Quốc hội được giới thiệu ứng cử tại Nghệ An. Nhiều đại biểu đưa vấn đề đảm bảo an sinh, nâng cao đời sống người dân là trọng tâm chương trình hành động của mình.
Từ ngày 5/5 đến nay, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử được giới thiệu. Cùng với nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các ứng cử viên đã trình bày dự kiến chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV.
Được giới thiệu về Nghệ An ứng cử, ông Đỗ Văn Chiến (SN 1962) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Trong chương trình hành động của mình, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh sẽ quan tâm nhiều hơn các chính sách phát triển đồng đều kinh tế - xã hội giữa các khu vực, vùng miền; chính sách về tôn giáo, dân tộc, kiều bào để góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, quan tâm giám sát, phản biện xã hội đối với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 10 huyện phía Tây, gần 1 triệu người dân được hưởng lợi từ Chương trình này.
"Là người dân tộc thiểu số, được phân công là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi sẽ dành tâm sức đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo để giúp đỡ người yếu thế, người còn nhiều khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội", ông Đỗ Văn Chiến trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri.
Là người có thời gian dài công tác tại huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, ông Vi Văn Sơn (SN 1973) - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An có cái nhìn tổng quan và sâu sát hơn về đời sống kinh tế, tinh thần của bà con các đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây của tỉnh.
Ứng cử viên Vi Văn Sơn trăn trở: "Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho vùng miền núi, vùng dân tộc của tỉnh nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, cần quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa bàn miền núi Nghệ An một cách toàn diện".
Trong chương trình hành động của mình, ông Vi Văn Sơn nhấn mạnh: "Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ khi quyết định những chủ trương lớn về phát triển kinh tế cần đi đôi với các vấn đề an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững; quan tâm tạo cơ chế cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn để các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển nhanh hơn, hạn chế đến mức thấp nhất khoảng cách giàu - nghèo; quan tâm các chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân miền núi và người dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu kiến nghị để có chính sách thỏa đáng cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; vùng bị ảnh hưởng bởi các thủy điện; vùng biên giới; đề xuất cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục".
Bà Đinh Thị Kiều Trinh (SN 1987) là ứng cử viên thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An. Đảm trách chức vụ Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH, trong chương trình hành động của mình, bà Trinh cũng dành nhiều nội dung gắn liền với hoạt động trọng tâm của ngành, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác chăm lo người có công, đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
"Là một cán bộ nữ, sinh ra và lớn lên từ miền núi, hơn ai hết, tôi thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của những người phụ nữ ở khắp các miền quê. Trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến giới làm rào cản phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Tôi sẽ luôn quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em đặc biệt là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, miền núi.
Tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con miền núi, vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, giao thông, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện các chính sách như dạy nghề cho lao động nông thôn, chính sách xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế xã hội cũng như việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số…
Đây thực sự là những vấn đề mà tôi luôn trăn trở, theo đuổi và sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành nếu trở thành đại biểu Quốc hội", bà Đinh Thị Kiều Trinh cho hay.
Tại điểm bầu cử Nghệ An có 23 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong đó có 6 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu về 5 đơn vị bầu cử tại địa phương này. Các cử tri của Nghệ An sẽ lựa chọn 13 đại biểu, đại diện cho tiếng nói của mình tại diễn đàn Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026