Gần 23.000 tỷ đồng ngân sách thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo
(Dân trí) - Ngân sách trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo... Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên rõ rệt.
Sáng ngày 22/1, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đại điện các cục, vụ liên quan.
Còn nhiều khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những thành tựu mà Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã đạt được trong năm qua.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá: "Năm 2020 là một năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt và điều này tạo ra những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo".
Theo Thứ trưởng, bằng sự nỗ lực và tích cực phối hợp tốt với các ban ngành liên quan, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, chủ động khắc phục những khó khăn gặp phải.
Để phát huy những thành tựu đã đạt được, năm 2021 Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cần bám sát, triển khai nhanh chóng hơn nữa các chương trình hỗ trợ người dân.
"Năm tới là một năm sẽ còn nhiều khó khăn với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, từ đó phải xây dựng những chương trình dài hạn, chặt chẽ và khẩn chương" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ đạo.
Văn phòng cần xây dựng toàn diện và chi tiết kê hoạch và nhiệm vụ năm 2021, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, hướng dẫn địa phương rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật, kế thừa và phối hợp chặt chẽ với cục việc làm tạo việc làm cho người nghèo.
Thứ trưởng mong muốn, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo kết nối các doanh nghiệp đến đầu tư, hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho các vùng kinh tế khó khăn…
Cho vay 766.253 lượt hộ nghèo
Báo cáo tổng kết công tác năm 2020, ông Nguyễn Lê Bình - Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết: "Năm 2020, ngân sách trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó, hỗ trợ chính sách y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và các chính sách đảm bảo xã hội khác như hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý".
Theo ông Nguyễn Lê Bình, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2020, đã thực hiện cho vay 766.253 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với doanh số cho vay đạt 33.676 tỷ đồng.
Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận các tỉnh, thành phố, trong năm 2020 đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… ủng hộ 5.833 tỷ đồng.
Trong đó, vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương và đăng ký thực hiện an sinh xã hội số tiền trên 2.338 tỷ đồng; tại địa phương đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội được trên 3.494 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 93.000 tỷ đồng.
Năm qua, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên đầu tư, làm thay đổi diện mạo địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn.
"Năm 2020, ngân sách trung ương bố trí thực hiện cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 10.059,141 tỷ đồng. Trên cơ sở thông báo vốn, các địa phương đã chủ động phân khai vốn và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo đúng tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2020" - ông Nguyễn Lê Bình thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Lê Bình, kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Các cấp, các ngành và người dân đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau", phong trào thoát nghèo đã được nhiều người dân thực hiện trên phạm vi cả nước với nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng.