Đại tướng Chu Huy Mân: Vị tướng xuất sắc, song toàn
(Dân trí) - "Một vị tướng lĩnh xuất sắc, quân sự, chính trị song toàn của quân đội ta, một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập", Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về Đại tướng Chu Huy Mân.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023), Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An và gia đình Đại tướng tổ chức Triển lãm "Đại tướng Chu Huy Mân - vị đại tướng "Hai Mạnh" đức độ, đa tài".
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội), từ ngày 15/3 đến ngày 15/6 (Ảnh: Nhật Nam/VGP).
Triển lãm trưng bày 200 hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời chiến đấu, cống hiến của Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm gồm 2 chủ đề: Tuổi trẻ nuôi chí lớn và Vị tướng "Hai Mạnh" đức độ, đa tài.
Đại tướng Chu Huy Mân (quê xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An) là một nhà chính trị mưu lược, sắc sảo, đồng thời là một tài năng quân sự xuất sắc, có tầm chiến lược, giỏi về chiến dịch, chiến thuật. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị, quân sự; có lúc kiêm cả Chính ủy và Tư lệnh các Đại đoàn, Sư đoàn, Quân khu, lăn lộn khắp các chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Khu 4, Khu 5, Tây Bắc, Tây Nguyên, chiến trường Lào...
Đại tướng Chu Huy Mân xứng đáng với lời khen tặng, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chú gánh cả hai vai cho khỏe". Bí danh "Hai Mạnh" gắn với Đại tướng Chu Huy Mân từ đó.
Những quyết sách của Đại tướng Chu Huy Mân trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận Khu 5 và Tây Nguyên đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và quân sự (3 thứ quân) là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Khu 5.
Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Thượng tướng Chu Huy Mân cùng Bộ tư lệnh quân khu 5 đã quyết định chọn phương án tiêu diệt quận lỵ, chi khu Tiên Phước, căn cứ Phước Lâm, diệt quân cơ động rồi tiến công giải phóng Tam Kỳ, chia cắt Chu Lai - Quảng Ngãi để tiến công vào Đà Nẵng tạo thế bất ngờ, giành chiến thắng tuyệt đối.
Trong ảnh Thượng tướng Chu Huy Mân tại Hội nghị bàn phương án Khu 5 phối hợp và tăng cường lực lượng tấn công để giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 4/1975.
Thượng tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thăm và chỉ đạo lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 1979.
Thiếu tướng Chu Huy Mân nhận nhiệm vụ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) trước khi vào Mặt trận Khu 5 và Tây Nguyên, năm 1966 (ảnh trái) và cuộc gặp gỡ tại Hà Nội năm 2000. Đánh giá về công lao và những đóng góp của Đại tướng Chu Huy Mân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Một vị tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập...".
Đại tướng Chu Huy Mân luôn quán triệt: "Ta đánh "để lấy miếng" tuyệt đối không đánh "để lấy tiếng", đánh thắng mà bộ đội thương vong cao, ta nghĩ gì về xương máu bộ đội". Là một tướng lĩnh nhưng Đại tướng Chu Huy Mân luôn đồng cam cộng khổ với chiến sỹ khắp các chiến trường, sống gần gũi, cởi mở...
Sinh thời, Đại tướng đã từng nói: "Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ Quốc, cho nhân dân".
Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Chu Huy Mân, Đoàn 100 (Đoàn cố vấn quân sự của Bộ Quốc phòng) đã góp phần đưa cuộc đấu tranh cách mạng của Lào lên một bước phát triển mới, xây dựng thành công Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào. Đại tướng Chu Huy Mân được bạn tin cậy và đánh giá là một trong những cố vấn xuất sắc của Chính phủ, Quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào, được gọi tên thân mật - Tướng Thao Chăn.
Đại tướng Khămtày Xiphănđon - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào đã nhận xét: "Đồng chí Mân đúng là Phò Xiểu Xan", nghĩa là "chuyên gia có tầm cỡ bậc thầy".
Trong bức thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 7/4/2004, Đại tướng Chu Huy Mân viết: "Tuổi thanh xuân bước vào đội ngũ chiến đấu của Đảng, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, được đồng chí, nhân dân, đồng đội tận tình giúp đỡ, trước đây, hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta luôn luôn trong sạch, vững mạnh, Bộ chính trị Trung ương Đảng nắm chắc Quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới".
(Ảnh: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam)