Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy qua đời: Nhớ mãi người anh hùng áo vải lội đồng bắt cá, trồng sen…
(Dân trí) - Nghỉ hưu năm 1990, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy cùng vợ về quê Đồng Tháp sinh sống. Gần 30 năm qua, nhiều người dân ở thị trấn Lai Vung không ngờ rằng ông già bơi xuồng đặt dớn bắt cá, lội đồng trồng sen lâu nay lại là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Cốt cách bình dị, chân thành của ông Bảy khiến bà con bồi hồi tiếc thương...
Người anh hùng có duyên với con số 7
Những ngày cận kề kịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2018, lần đầu tiên tiếp xúc với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, PV Dân trí bị cuốn hút bởi chất nam Bộ của ông qua chiếc áo, chiếc khăn rằn quấn trên đầu và đặc biệt là khẩu ngữ rặt tính Nam Bộ của ông, khi cứ xưng "tao", "mày" đầy chất phác. Ông Bảy nói: “Cuộc sống của tao bây giờ gắn bó với ao cá, ruộng sen và mấy cái dớn đặt cá dưới sông. Một ngày không lao động là tao khó chịu lắm, mặc dù cuộc sống của tao được Nhà nước lo rất đủ đầy”.
Nhớ lại khi đó, ông Bảy nói: “Cuộc đời tao có duyên với con số 7 thì phải. Sinh ra cha mẹ đã đặt tên Bảy. Rồi học 7 ngày lên 7 lớp; năm 1966 – 1967 bắn rơi 7 máy bay Mỹ… Và năm nay tao sống được 83 tuổi rồi…”.
Hồi đó ông còn kể tôi nghe câu chuyện bỏ nhà đi theo bộ đội vì bị cha mẹ bắt cưới vợ. Ông nói năm đó ông mới 18 tuổi, cha mẹ bắt cưới vợ, ông hoảng quá bỏ nhà trốn theo bộ đội. Thời đó ông Bảy có tài bắt cá, bẫy chuột, trồng rau giỏi… nên bộ đội tiếp nhận để tăng gia, cải thiện bữa ăn. Đến năm 1954 ông Bảy được chọn vào lính bộ binh.
Năm 1958, Trung ương đến chọn ông vào lính phi công. Theo ông Bảy, thời điểm đó, mỗi Sư đoàn chỉ chọn 3 người vào lính phi công và ông chẳng ngờ rằng, một thằng lính học mới lớp 3, thuộc tầng lớp bần nông như ông lại được chọn đi học lái máy bay.
Sau khi về hưu, ông Bảy cùng vợ về quê sống bình dị trong căn nhà ở khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp
Ông Bảy kể: “Do đòi hỏi lính phi công phải học tối thiểu lớp 10 để biết tính toán, chuyển động hóa… nên tao được bồi dưỡng lớp đặc biệt, học 7 ngày lên 7 lớp. Sau đó, tao được cử đi Trung Quốc học lái máy bay quân sự”.
Đến năm 1965 ông Bảy trở về Việt Nam thuộc biên chế Trung đoàn không quân tiêm kích 923. Ông Bảy tham gia đánh 13 trận (từ năm 1966 - 1967) và bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Nhờ thành tích này, ông Bảy được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ đó.
Sau chiến công ấy, chỉ huy có lệnh cho ông ngưng chiến đấu. Sau đó ông được đi học chỉ huy ở Liên Xô.
Ấy là những mẩu chuyện mà tôi có may mắn được nghe Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy kể hơn một năm trước...
Nhớ mãi người anh hùng áo vải...
Nửa đêm qua 23/9, anh Kiệt - một người dân ở thị trấn Lai Vung - bất ngờ gọi điện cho tôi báo tin ông Bảy đã qua đời vào đêm 22/9. Nói xong, giọng anh nghẹn ngào, vì từ nay anh cũng như bà con Lai Vung không còn thấy ông Bảy bơi xuồng đặt dớn bắt cá, trồng sen hay đứng ra hòa giải chuyện làng, chuyện xóm như mọi khi nữa.
Anh Kiệt là một trong rất nhiều người dân Lai Vung yêu mến ông Bảy
Anh Kiệt kể, từ khi ông Bảy về đây sinh sống, bà con thắc mắc mãi câu chuyện người anh hùng bỏ đô thị, chấp nhận về sống ở một nơi hẻo lánh như mảnh đất Lai Vung, Đồng Tháp. Đáng nói, hàng ngày ông bơi xuồng đặt dớn bắt cá, cuốc đất, trồng rau…. Chưa kể sáng, chiều ông Bảy lội đồng chăm sen, làm cỏ vườn... Ông Bảy vất vả sớm hôm chẳng khác nào một lão nông chính hiệu.
Nhưng rồi, có dịp ngồi chén rượu, chén trà với ông Bảy mới biết, ông thích cuộc sống bình dị, mộc mạc ở thôn quê nên mới bỏ phố về quê sinh sống. Hơn nữa đối với ông, một ngày không lao động là tay chân ngứa ngáy không chịu nổi nên người dân cứ ngỡ ông Bảy thiếu thốn lắm, phải “tay làm hàm nhai”...
Hình ảnh ông Bảy miệt mài lao động lúc còn sống, như một lão nông chính hiệu.
Anh Kiệt còn kể: “Khi ông Bảy về sống với bà con, hễ nghe nhà ông Hai, cháu nhỏ nào xảy ra mâu thuẫn hoặc bà con trong xóm có chuyện chẳng lành với nhau là ông hỏi thăm, đến tận nhà “đương sự” phân tích đúng sai, hòa giải... Nhờ đó nhiều gia đình hàn gắn tình cảm”.
Với ông Bảy, một ngày không được làm việc là tay chân ông khó chịu lắm.
Ông Nguyễn Phước Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Lai Vung, chia sẻ: “Từ ngày ông Bảy về sống với bà con thị trấn, người dân thích cốt cách và tài năng ông lắm. Đặc biệt là việc ông vận động bà con, các mạnh thường quân rải đá cho tuyến đường kinh xáng thoát cảnh bùn lầy. Các hoạt động chăm lo người nghèo, các cháu học sinh khó khăn, lúc nào ông Bảy cũng tiên phong. Ngoài ra, câu chuyện ông Bảy đi hòa giải các gia đình bất hòa với nhau cũng là điều làm nhiều người dân mến mộ”.
Khi hay tin ông Bảy đột ngột qua đời, nhiều bà con, cán bộ Đồng Tháp vô cùng thương tiếc. Riêng với những người dân thị trấn Lai Vung, họ sẽ nhớ mãi hình ảnh ông già Nam Bộ chất phác, hay lam hay làm, luôn sống gần gũi với bà con khu xóm trong hàng chục năm qua.
Hôm 16/9 vừa qua, khi đang làm vườn, ông Bảy ngất xỉu và được người nhà chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, sau đó chuyển đến TPHCM cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe ông Bảy không cải thiện và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h ngày 22/9, thọ 84 tuổi.
Một cán bộ tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi lễ tang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến ngày 26/9 gia đình sẽ di quan về UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ viếng tại quê nhà từ 12h ngày 26/9 đến 10h30 ngày 27/9. Sau đó, gia đình sẽ tổ chức an táng ông tại quê nhà huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Nguyễn Hành