Đại sứ nước ngoài thích thú làm tranh Đông Hồ, mặc áo tứ thân
(Dân trí) - Trong chương trình "Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023" tại Bắc Ninh, các khách mời được tham quan khu Bảo tàng tranh dân gian Đông Hồ, được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm tranh và xem múa rối nước.
Chiều 7/4, Chương trình "Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023" được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, với chủ đề "Vẻ đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc", mang đến nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc cho các đại biểu quốc tế.
Chương trình có sự tham gia của gần 150 đại biểu là các Đại sứ, Trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn, Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm, Mạng lưới Phụ nữ ASEAN tại Hà Nội - AWCH và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Chương trình được Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức, với mục đích giới thiệu và quảng bá văn hóa vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc tới đại biểu quốc tế.
Trong chương trình, khách mời tham quan khu Bảo tàng tranh dân gian Đông Hồ; được nghe thuyết trình về lịch sử tranh Đông Hồ, nội dung, ý nghĩa những bức tranh.
Đoàn đại sứ được trực tiếp thử "sáng tác" những bức tranh Đông Hồ, do các nghệ nhân hướng dẫn.
Đại sứ Ấn Độ thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm các bước làm ra một bức tranh Đông Hồ.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam khoe thành quả.
Tranh Đông Hồ có xuất xứ từ thế kỷ 17 ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau khi tham quan tranh Đông Hồ, khách mời được thưởng thức các tiết mục múa rối nước Đồng Ngư đặc sắc.
Đại sứ Palestine thích thú khi xem loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống của Việt Nam.
Múa rối nước đã ra đời khoảng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Trò rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Do tính đặc sắc nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống.
Niềm vui, thích thú lộ trên khuôn mặt những khách mời. Kết thúc mỗi tiết mục, họ không ngừng vỗ tay, tán thưởng.
Sau đó, đoàn khách mời được đưa về Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh (ở TP Bắc Ninh) để gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, các khách mời được mặc thử trang phục áo tứ thân.
Lắng nghe những làn điệu dân ca quan họ - loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.
Trong phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tỉnh mong muốn được kết nối, lan tỏa và quảng bá hình ảnh, văn hóa cũng như môi trường đầu tư của tỉnh tới cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh mong muốn của tỉnh Bắc Ninh là vận động UNESCO xem xét đưa hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024.
Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ: "Là một đất nước ngàn năm văn hiến, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, mong muốn phát huy các giá trị văn hóa của mình để phát triển bền vững đất nước và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại".
Chương trình là một sự kiện thường niên được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức từ năm 2015, nhằm cập nhật các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.