1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Đại lễ tưởng niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

(Dân trí) - Sáng nay (22/12), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức đại lễ tưởng niệm 706 năm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Chùa Hoa Yên - khu Di tích danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đây là hoạt động tưởng niệm 706 năm ngày mất của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, từ lâu đã được chọn làm ngày Quốc giỗ của Phật giáo. Đại lễ diễn ra tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, lễ chính được tổ chức tại Khu danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh.

Tham dự đại lễ có ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ; Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Đệ nhất Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh - Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTC đại lễ; ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các địa phương, các đại biểu và nhân dân, phật tử cả nước.

Nghi thức Phật giáo tưởng niệm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Nghi thức Phật giáo tưởng niệm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 7/12/1258 (tức 11/11/Mậu Ngọ) là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Năm 16 tuổi, Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt vào năm 21 tuổi.

Với tinh thần bảo vệ dân tộc, Tổ quốc của toàn dân, Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất (năm 1285) và lần thứ hai (năm 1288).

Nghi thức Phật giáo tưởng niệm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sớm nhường ngôi vua cho con để bước vào con đường tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng Thiền thuần Việt duy nhất của nước ta. Dòng thiền này đã kế thừa tinh hoa của các phái Thiền trước đó, xây dựng hệ thống giáo lý, giáo luật và lễ nghi Thiền dựa trên hai tiền đề là xã hội và tôn giáo đã được hình thành trong lịch sử lúc bấy giờ…

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu: Năm 41 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Đến năm 1294, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi, sau đó, trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành. Sau này, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là "Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa (năm 1299).

Nghi thức Phật giáo tưởng niệm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Nghi thức Phật giáo tưởng niệm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Sau đó, Ngài hạ san, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở Hội đại thí vô lượng cho nhân dân. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v…

Theo sử cũ, Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh.

Tại buổi lễ, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ôn lại những cống hiến to lớn của Phật hoàng và bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ công lao của Ngài đối với lịch sử và tinh thần dân tộc. Đồng thời mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng như các tăng ni, phật tử sẽ cùng nhau bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tư tưởng Phật giáo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, xây dựng Yên Tử luôn là một địa danh kỳ vĩ, linh thiêng, chứa đựng giá trị tinh thần bất diệt.

Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và nhân dân, phật tử đã thực hiện nghi lễ tưởng niệm, dâng hương Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông theo nghi thức truyền thống Phật giáo.

Quốc Cường