1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Đại gia" vận tải bỏ phố lên rừng trồng dược liệu, lái xe cứu thương miễn phí

(Dân trí) - Vốn là một người kinh doanh trong ngành vận tải, đúng lúc công việc làm ăn đang thuận lợi, anh Nam quyết định bán xe, thanh lý hợp đồng cho công nhân, tuyên bố bỏ nghề vận tải, bán luôn cả công ty, rời thành phố Hạ Long lên ở hẳn trên vùng núi cao của huyện Hoàng Bồ, Quảng Ninh.

Có nhiều tiền vẫn thấy buồn nhiều hơn vui!

Nghe câu chuyện lạ về người đàn ông ấy, chúng tôi tò mò tìm gặp anh bằng được. Anh tên là Trương Mậu Nam, sinh 1979, đang sống trên một quả đồi của huyện Hoành Bồ. Gặp anh rồi, chúng tôi thấy ở người đàn ông này còn nhiều điều "kì lạ" hơn.

Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà đang xây dựng của anh Nam, với thiết kế khá đặc biệt. Nơi anh ở là 1 quả đồi có diện tích hàng chục nghìn m2 tại bản Đồng Vải, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Anh Nam thật thà tâm sự: "Tôi may nắm được UBND huyện Hoàng Bồ tạo điều kiện tin tưởng cấp phép cho ngọn đồi trơ trụi này tiến hành dự án trồng cây dược liệu. Giờ đây tôi chẳng là ông chủ của ai nữa mà là ông chủ của chính mình. Ngày ngày trồng cây, nhổ cỏ, làm bạn với rừng núi nhưng kì vọng sẽ làm nên  được việc ý nghĩa”.

Anh Trương Mậu Nam lên núi cao tầm thuốc về trồng để chữa vô sinh
Anh Trương Mậu Nam lên núi cao tầm thuốc về trồng để chữa vô sinh

 

Anh Nam vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Nam, đặc biệt chuyên chữa hiếm muộn. Theo lý thường, cha truyền con nối, ai cũng nghĩ anh Nam sẽ theo tổ nghiệp, trở thành thầy thuốc như cha mình. Tuy nhiên anh lại chọn con đường kinh doanh vận tải và nhanh chóng giàu lên bởi nghề đó.

Anh Nam nhớ lại: “Ban đầu bước vào đời, tôi thành lập một công ty chuyên vận tải hành khách từ Quảng Ninh đi Hà Nội. Cái nghề “sớm cấy chiều gặt” ấy được chu du thiên hạ và mang lại cho tôi thu nhập rất khá. Thế nhưng nghề vận tải cũng có những mặt trái. Để tồn tại được, chủ doanh nghiệp vận tải phải đương đầu với những khó khăn từ nhiều phía, mà có lúc mình cảm thấy mình không được là mình. Tôi không làm nghề thuốc như bố vì nó nghèo, muốn làm giàu bằng sức mạnh của tuổi trẻ để khẳng định mình với gia đình. Thế nhưng nghề vận tải khiến tôi buồn nhiều hơn vui mặc dù hiệu quả kinh tế là rất khá”.

Bỏ vô lăng đi... trồng dược liệu

Anh kể: "Trong một lần theo xe công ty đi khảo sát, từ Hạ Long đến Hà Nội, tôi đã chứng kiến cặp  vợ chồng trẻ đang dắt díu nhau lên trung ương khám bệnh. Nhìn hai người họ khá là khỏe mạnh nhưng khuôn mặt lại u buồn mệt mỏi. Suốt chặng đường đi cô gái chỉ lặng lẽ gục đầu lên tay nghế trong im lặng. Bắt chuyện, người chồng mới kể là họ đi chữa vô sinh. Lần đi này là lần thứ 6 rồi, mất bao nhiêu tiền của nhưng cũng chả dám hi vọng nhiều. Suốt hành trình đó tôi hết nghĩ về cặp vợ chồng hiếm muộn, về nỗi khát khao có con của họ, rồi lại nghĩ đến các bài thuốc gia truyền mà cha tôi chưa có người kế nghiệp...”.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, năm 2012, anh Nam quyết định chuyển hướng đi cho cuộc đời mình. Anh bỏ vận tải, bán hết cơ nghiệp của công ty, thanh lý xe, chia tay công nhân, xách ba lô trở lại với xuất phát điểm mới.

Cũng từ những năm tháng lặn lội với nghề vận tải, anh Nam đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng khi nhiều nạn nhân tai nạn không được chở đi cấp cứu kịp thời. Anh Nam đã bán chiếc xe khách đẹp nhất của mình đi, mua một chiếc xe cứu thương chạy từ thiện.

Từ ông chủ đi Camry, nay anh thành tài xế lái xe cứu thương không công. Trên thân chiếc xe anh ghi hàng chữ đỏ: “Xe cấp cứu từ thiện tai nạn giao thông, vận chuyển cấp cứu tình thương miễn phí”.

“Cuộc đời có nhiều ngã rẽ rất lạ lùng” – anh Nam tâm sự - “Từ một người chạy xe để kiếm tiền, tôi lại tự nguyện làm công việc tài xế cho những người gặp nạn trên đường mà không bao giờ lấy của họ một đồng tiền công. Số điện thoại đẹp ngày xưa dùng để giao dịch làm ăn, giờ tôi dùng làm số đường dây nóng để cứu người gặp nạn miễn phí".

 


Anh Nam bỏ phố lên dựng nhà trên núi để xây giấc mơ về 1 bệnh viên đông y có quy mô tại Quảng Ninh.

Anh Nam bỏ phố lên dựng nhà trên núi để xây giấc mơ về 1 bệnh viên đông y có quy mô tại Quảng Ninh.

 

Mới đây, tại một mỏ đá ở địa phương, có hai thanh niên bị thương nặng do lở đá. Các công nhân đang bối rối không biết vận chuyển hai nạn nhân đi cấp cứu như thế nào thì có người chợt nhớ đến chiếc xe cứu thương của anh Nam. Nhận được cuộc gọi, anh Nam vội vã lên đường, vào tận khu vực hiểm trở của mỏ đá đưa hai nạn nhân tới Bệnh viện Bãi Cháy.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Minh trú tại thành phố Uông Bí, một trong hai công nhân bị thương hôm đó, kể: “Giữa đêm hôm lại tại nơi địa hình hiểm trở, nếu không có anh Nam thông thạo không quản ngại cho xe vào đưa anh em tôi đi cấp cứu kịp thời thì với tình trạng đa chấn thương như hôm đó, có lẽ chúng tôi khó qua khỏi. Thế nhưng khi anh em tôi có ý gửi tiền thì anh ấy một mực từ chối. Anh ấy còn dặn lần sau có ai bị tai nạn thì gọi cho anh ấy để anh còn giúp người ta”.

Khi được hỏi đã đưa bao nhiêu người đi cấp cứu trên chiếc xe tình thương của mình, anh Nam nói: “Tôi không nhớ mình đã đưa được bao nhiêu người đi cấp cứu. Thực sự đó cũng chẳng phải là thành tích gì để ghi nhận. Tôi coi đó là trách nhiệm của mình, là mong muốn được giúp cộng đồng của mình”.

Giờ đây, đi qua khu vực cầu Bãi Cháy, nơi vẫn thường xảy ra các vụ tự tử, không ai không biết đến chiếc xe cứu thương “đặc biệt" của anh Nam. Anh vẫn được ban quản lý cầu hay các thuyền chài tại đây gọi đi mỗi khi phát hiện có người ngã xuống nước hay nhảy cầu.

 

Chiếc xe cứu thương của anh Nam trong 1 lần chở bệnh nhân bị tai nạn giao thông miễn phí đi cấp cứu tại bệnh viện
Chiếc xe cứu thương của anh Nam trong 1 lần chở bệnh nhân bị tai nạn giao thông miễn phí đi cấp cứu tại bệnh viện

 

Cảm kích việc làm của anh, một cửa hàng rửa xe ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long chuyện nhận rửa xe miễm phí cho chiếc xe cứu thương của anh Nam. Anh Đỏ, chủ cửa hàng rửa xe, chia sẻ: "Anh Nam vì người gặp nạn mà chẳng quản khó khăn, tôi cũng muốn góp chút tấm lòng thôi”.

Đứng tại ngôi nhà được dựng trên núi cao, xung quanh trồng toàn cây dược liệu, chúng tôi đang hình dung về một bệnh viện đông y của tư nhân đầu tiên có quy mô lớn ở miền bắc sẽ sớm được hình thành - theo mơ ước của anh Nam. Ngoài những giờ đi chạy xe cấp cứu từ thiện, anh trở về với núi đồi trồng và nhân giống các cây dược liệu...

Anh cũng đã tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam để nâng cao nghiệp vụ sau khi được kế thừa bài thuốc tổ truyền của gia đình.

Cơ quan chức huyện Hoàng Bồ đang hết lòng ủng hộ những dự định lớn lao của anh Nam. Anh chia sẻ: "Tôi sẽ dùng phần đời còn lại để bằng bài thuốc dân gian của gia đình tiếp tục nghiên cứu và phát triển những ưu việt của thuốc Nam trong việc chữa vô sinh, đem lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Hạnh phúc của họ mới chính là niềm vui đích thực của tôi”.

Thu Hằng