1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đại công trường” khai thác cát lậu và trạm thu phí lạ trên sông

(Dân trí) - Ngoài việc hút cát trong diện quy hoạch mỏ, mỗi ngày có đến hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ hút cát lậu ở thượng nguồn sông Long Đại, thuộc địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vì hút cát lậu nên các chủ thuyền phải nộp lệ phí coi như phí "bảo kê".

Nhức óc từ 2 giờ sáng

Tờ mờ sáng một ngày giữa tháng 3, từ cầu Long Đại thuộc địa bàn xã Xuân Ninh và Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), chúng tôi ngồi trên một con thuyền nhỏ, ngược lên thượng nguồn sông Long Đại để chứng kiến “đại công trường” khai thác cát trái phép đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Theo quan sát của phóng viên, một khúc sông chỉ dài khoảng 2km nhưng có đến hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang hút cát hết công suất. Phát hiện thuyền "lạ”, nghi là thuyền của lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhiều người tá hỏa, tuy nhiên khi nhận diện lái thuyền là người quen nên công tác khai thác cát trộm lại được tiếp tục.

Đại công trường khai thác cát trên sông Long Đại
"Đại công trường" khai thác cát trên sông Long Đại

Giữa tiếng máy hút cát inh ỏi, người lái thuyền dẫn chúng tôi chuyến “thị sát” này hỏi vọng: “Sáng chừ được mấy chuyến rồi chú?". “Hôm ni dậy muộn, 3 giờ sáng mới đi nên đến giờ mới được 15 khối, chưa đầy thuyền”, người đàn ông đáp. Khoảng 10 phút sau, khi cát đã đầy ắp trên khoang, chiếc thuyền hạ nguồn về bãi tập kết một cách rất khẩn trương.

Trời càng về sáng, “đại công trường” khai thác cát lậu càng lộ rõ. Cứ khoảng 15 phút, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh một con thuyền đầy ắp cát, di chuyển rất nặng nề vì chở quá tải, tiếng máy nổ vang cả một khúc sông.

Nhiều người dân ở xã Trường Xuân cho hay, các chủ thuyền hút cát trộm này hầu hết là người dân ở các xã phía hạ nguồn như: Gia Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh… Họ thường hút trộm cát vào ban đêm, trong khoảng khung “giờ vàng” từ 2 đến 7 giờ sáng.

Tình trạng hút cát trái phép hoành hành khiến một đoạn bờ sông dài bị đục khoét hoang tàn, đôi bờ sông sạt lở nghiêm trọng!

Trạm thu phí cát lậu

Trong quá trình theo chân hàng chục chiếc thuyền hút cát trái phép về bãi tập kết, chúng tôi phát hiện một điều “kỳ lạ” là các chủ thuyền này đều phải ghé vào một căn chòi nhỏ, dựng ngay bên bờ sông, phía trên có cắm cờ Tổ quốc.

Trạm thu phí cát lậu của nhóm bảo kê
"Trạm thu phí" cát lậu của nhóm "bảo kê"

Trong căn chòi luôn có khoảng vài người đàn ông, một người phát một tờ giấy gì đó, một người ngồi ghi chép rồi đưa một mảnh giấy cho chủ thuyền, chừng 10 phút sau, thuyền cát mới tiếp tục hành trình.

Nổ máy, phóng nhanh, tiếp cận chủ thuyền vừa qua trạm, chúng tôi hỏi: “Bác vào trong đó làm gì?”. “Sáng ni hút được 10 khối cát, lời lãi chẳng biết được bao nhiêu nhưng phải đóng phí 150 ngàn đồng rồi”, vị chủ thuyền giọng bực dọc nói. “Sao hút cát lậu cũng phải nộp phí?”. “Rứa mới có chuyện, không nộp phí cho nó, sao sống yên được hả chú”, chủ thuyền này ngao ngán.

Mỗi lần qua trạm, các chủ thuyền khai thác cát lậu đều phải đóng phí cho nhóm bảo kê
Mỗi lần qua "trạm", các chủ thuyền khai thác cát lậu đều phải đóng phí cho nhóm "bảo kê"

Khi ghé thuyền vào “làm luật” ở căn chòi này, các chủ thuyền đều được phát một mảnh giấy mà theo họ, doanh nghiệp này đã “biến tướng” thành phiếu thu nội bộ để ngụy biện rằng, phiếu đó chính là số lượng cát bán và lấy trong mỏ. Nhưng theo điều tra của phóng viên, thực tế cho thấy, số lượng các tàu thuyền hút cát đa phần là ngoài vùng quy hoạch mỏ, khai thác cát lậu.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều chủ thuyền là người thôn Xuân Dục - 2 (xã Xuân Ninh), hỏi về “trạm thu phí” trên, ai cũng bức xúc: “Chúng tôi biết hút cát trộm như thế là vi phạm pháp luật, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo nên đành làm liều. Tuy nhiên, chúng nó cũng chẳng có quyền gì mà lại thu phí chúng tôi cả. Đã thế, ai mà không nộp là bị chúng nó xử ngay”. (Báo Dân trí ngày 13/3 từng có bài phản ánh về một gia đình bị hơn 10 côn đồ đến "khủng bố", đập phá nhà, nghi do không chịu nộp phí cát lậu).

Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các chủ thuyền khai thác cát trên sông Long Đại đều mong muốn có một bãi tập kết, có sự quản lý chặt chẽ và thu phí hợp pháp để làm ăn đúng pháp luật. “Nói thật với các chú, làm trộm như ri cũng chẳng sung sướng chi. Bị “răn” trên, “đe” dưới, khổ lắm!”, một chủ thuyền lắc đầu.

Dù nhiều chủ thuyền khai thác ngoài khu vực mỏ nhưng vẫn phải nộp phí mỗi khi qua trạm. Nếu không nộp thì sẽ bị nhóm bảo kê xử lý ngay
Dù nhiều chủ thuyền khai thác ngoài khu vực mỏ nhưng vẫn phải nộp phí mỗi khi qua trạm. Nếu không nộp thì sẽ bị nhóm "bảo kê" xử lý ngay

Theo điều tra của phóng viên, khu vực bãi Lùi, bãi Cơm trên sông Long Đại, thuộc xã Trường Xuân hiện có 3 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sạn làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Công ty TNHH XD Lương Ninh (được cấp 2 mỏ có diện tích 10ha, công suất khai thác mỗi mỏ 5.000m3/năm); Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiền Ninh (diện tích được cấp 3ha, công suất khai thác 4.000m3/năm) và Công ty TNHH XD Ngô Anh Tuấn (diện tích được cấp 2ha, công suất khai thác 4.000m3/năm).

Tuy nhiên, do việc bán cát quá mức khiến trữ lượng cát trong diện được quy hoạch ngày một cạn kiệt, bởi vậy các tàu thuyền của người dân dần di chuyển ra ngoài vùng mỏ khai thác cát lậu và không phải trả tiền cho doanh nghiệp. Cũng chính từ đây, một thế lực làm nhiệm vụ “bảo kê” cho doanh nghiệp được hình thành, buộc những ai khai thác ngoài vùng quy hoạch mỏ cũng đều phải nộp phí, và phí này chính là phí “lậu”, bất hợp pháp.

Rất nhiều chủ thuyền khai thác cát trên sông Long Đại bức xúc khi phải oằn mình đóng phí qua trạm được cho là bất hợp pháp
Rất nhiều chủ thuyền khai thác cát trên sông Long Đại bức xúc khi phải "oằn" mình đóng phí qua trạm được cho là bất hợp pháp

"Nếu đặt trạm thu phí ngoài mỏ sẽ chỉ đạo xóa ngay"

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân thừa nhận tình trạng khai thác và hút trộm cát trên sông Long Đại ngày một diễn biến phức tạp. “Biết là tàu thuyền các xã khác đến, chúng tôi đã nhiều lần lập kế hoạch, trích kinh phí đi tuần tra và đầu năm nay cũng đã xử lý mấy trường hợp hút cát lậu nhưng do lực lượng công an xã mỏng nên khó xử lý triệt để. Trong xã thì không có thuyền nào khai thác, còn trên địa bàn có 2 đơn vị khai thác và đã có trình giấy tờ, thủ tục đầy đủ. Chúng tôi có biết họ thu phí, còn cụ thể thu bao nhiêu thì chúng tôi không nắm rõ”, ông Quang cho hay.

Còn ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng Phòng TN&MT huyện Quảng Ninh khẳng định: “Việc công ty lập “chốt thu phí” là nằm trong hoạt động sản xuất của họ, hoạt động như thế nào là việc của họ, họ thu để nộp thuế cho Nhà nước và họ đặt tại vị trí nào thì không bắt buộc. Giá thu thì họ thu theo quy định của tỉnh, biên lai mua tại Chi cục Thuế, còn việc họ có thu trái quy định thì đến nay chúng tôi chưa phát hiện”.

Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên thì phiếu “xuất kho và vận chuyển nội bộ” nêu trên là bất hợp pháp, không có đăng ký tại cơ quan thuế.

Chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trước vấn nạn khai thác cái sạn trên sông Long Đại hay cố tình nới lỏng công tác quản lý?
Chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trước vấn nạn khai thác cái sạn trên sông Long Đại hay cố tình "nới lỏng" công tác quản lý?

Về phía UBND huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện cũng thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Long Đại đã diễn ra từ nhiều năm nay, huyện cũng đã nhiều lần lập biên bản và xử lý các chủ thuyền vi phạm, thậm chí là đã tịch thu cả thuyền nhưng rồi mọi chuyện lại tái diễn.

Còn nói về vấn đề “trạm thu phí” cát không nằm trong quy hoạch mỏ, đóng trên sông Long Đại, ông Ánh tỏ ra khá bất ngờ: “Việc lập trạm thu phí ngoài mỏ là sai nguyên tắc, công ty được cấp mỏ ở chỗ nào thì phải đặt vị trí thu phí chỗ đó. Tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, nếu đúng như phản ánh thì sẽ xóa ngay”.

Nhóm PV