Đại biểu Quốc hội: "Xén" bớt Tổng cục không nên "đẻ" thêm ghế
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp xếp lại 3 Tổng cục là điều đáng hoan nghênh. Ông lưu ý, việc sắp xếp này phải đảm bảo giảm biên chế, không "đẻ" thêm ghế.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng kế hoạch sắp xếp lại 3 tổng cục, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần phải thực hiện quyết liệt.
Bộ TN&MT dự kiến sắp xếp lại ba tổng cục trong thời gian tới. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
- Việc sắp xếp, tinh giản cấp tổng cục trực thuộc các Bộ là vấn đề rất quan trọng. Nếu có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương sẽ thành hiện thực.
Tôi được biết Bộ TN&MT và một số Bộ khác dự kiến sẽ sắp xếp, cắt giảm một số tổng cục . Theo tôi cho đó là vấn đề hợp lý, rất hoan nghênh.
Bộ TN&MT đã kịp thời xem xét chức năng cụ thể của từng tổng cục, để đưa ra giải pháp hợp lý nhất trong việc sắp xếp, giữ lại, hay giải thể những tổng cục không cần thiết. Theo tôi, Bộ TN&MT nên hợp nhất lại những tổng cục, hay cục có chức năng, nhiệm vụ trùng nhau.
Thực tế, không chỉ riêng Bộ TN&MT, nhiều Bộ khác còn có các Tổng cục cũng cần phải noi gương. Qua đó, các Bộ này theo thẩm quyền nên xem xét, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ để sắp xếp lại tổng cục cho phù hợp với bối cảnh tỉnh hình mới.
Bên cạnh những ưu điểm đó, có ý kiến lo ngại việc "xé" Tổng cục thành nhiều cục để "đẻ" ra nhiều ghế?
- Tôi cũng nghe những lo ngại đó. Nhưng tôi tin rằng, đề án giảm bớt các Tổng cục của Bộ TN&MT thì việc "đẻ" ra thêm Vụ, Cục không đáng lo ngại lắm.
Điều quan trọng của đề án này làm sao khi sắp xếp lại Tổng cục sẽ giảm tổng biên chế trong Bộ TN&MT. Còn giảm Tổng cục mà biên chế vẫn giữ nguyên biên chế hoặc để "phình" bộ máy, tăng biên chế thì không hiệu quả, không đúng mục tiêu.
Còn nếu cứ điều chuyển Vụ trưởng, Vụ phó, hay Trưởng phòng… từ chỗ này qua chỗ khác thì giảm Tổng cục cũng như không. Điều này cần hết sức lưu ý, không để xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện.
Có ý kiến còn băn khoăn, lo ngại về yêu cầu cải cách hành chính, sẽ phải đi "xin" thủ tục nhiều nơi hơn thay vì duy trì mô hình tổng cục?
- Lo ngại đó là xác đáng. Tôi nghĩ, Bộ TN&MT cũng cần phân biệt rạch ròi, cụ thể một tổ chức, đơn vị có thể tham gia nhiều lĩnh vực cùng một lúc, chứ không nên để nhiều cá nhân tham gia một nhiệm vụ.
Tôi tin rằng, Bộ TN&MT sẽ có chỉ đạo hết sức sát sao để giảm bớt đầu mối trung gian, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Bởi tinh giản bộ máy phải đi kèm với tinh giản được biên chế và khắc phục được chồng chéo, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Sẽ tái cấu trúc 3 tổng cục
Bộ Tài nguyên và Môi trường có 5 tổng cục gồm: Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin, căn cứ vào tiêu chí cụ thể, bộ đang dự kiến giữ lại hai tổng cục và tái cấu trúc ba tổng cục. Cụ thể, hai đơn vị được dự kiến giữ nguyên là: Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Quản lý đất đai.