1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu Quốc hội: Có thể giảm tới 10 tỉnh nếu biết tính toán sáp nhập

(Dân trí) - Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nếu sáp nhập đơn vị hành chính và các bộ ngành để tinh giản bộ máy thì có cả chục tỉnh và 3-4 Bộ sáp nhập lại với nhau.

Ngày 31/10, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18 Trung ương 6.

Đại biểu Hòa cho rằng, những tỉnh có số dân thấp như Bắc Kạn (hơn 300.000 dân) hay một số tỉnh có dân số từ 700.000 - 800.000 dân có thể tính toán sáp nhập lại với nhau.

Từ kinh nghiệm sáp nhập giữa Hà Tây với Hà Nội gần 10 năm trước, nhưng bộ máy hành chính vẫn hoạt động hiệu quả, đại biểu Hòa cho rằng, các tỉnh thành khác hoàn toàn có thể thực hiện được như vậy.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội

“Lúc đầu có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp. Cốt lõi quan trọng là hiệu quả tinh giản số lượng, giảm biên chế khủng”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Theo đại biểu, việc giảm nguyên bộ máy một tỉnh sẽ giảm hàng ngàn con người, sẽ giảm chi thường xuyên rất lớn, hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm đó nếu dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội thì người dân hưởng lợi.

“63 tỉnh thành như hiện nay là rất lớn, trong công tác thanh kiểm tra cũng khó khăn, cần số lượng cán bộ nhiều, nếu giảm đầu mối thì số lượng cán bộ sẽ giảm đi, sẽ thuận tiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Theo tính toán của đại biểu đoàn Đồng Tháp thì sau khi sáp nhập có thể giảm 10 tỉnh trở lên có quy mô dân số thấp. Sau khi sáp nhập các tỉnh thành thì có thể tính tới việc sáp nhập giảm 3-4 Bộ.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, cái khó nhất của việc sáp nhập sẽ có một số cán bộ, công chức không vui, không hài lòng vì mất một số chức danh.

“Con người ở đây chính là chức quyền, chức vụ. Rồi phải tinh giản một số lượng con người nằm trong bộ máy rất lớn mà chúng ta biết đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nói thêm.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, về lâu dài phải thực hiện vấn đề trên, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch chi li cụ thể và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Quang Phong