“Sáp nhập Sở sẽ đụng chạm lợi ích của nhiều người”

(Dân trí) - PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng đề xuất sáp nhập nhiều Sở và không thành lập một số Sở ở các địa phương đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến chắc chắn sẽ đụng chạm lợi ích của nhiều cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu.

PGS.TS Ngô Thành Can (Ảnh: Kiến thức).
PGS.TS Ngô Thành Can (Ảnh: Kiến thức).

PGS.TS Ngô Thành Can - Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia - vừa gửi tới Dân trí ý kiến xung quanh đề xuất sáp nhập nhiều Sở và có thể không thành lập một số Sở ở các địa phương, đang gây chú ý trong dư luận. Dân trí xin trích đăng lại ý kiến của ông:

“Mấy ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng thật bận rộn với thông tin về sáp nhập một số đơn vị cấp sở ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần của Dự thảo Nghị định về Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, đề xuất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 12 đơn vị sở “cứng” và 6 đơn vị sở “mềm” (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch).

Đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (Sở Quy hoạch-Kiến trúc chỉ có ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM) có vẻ gây nhiều tranh cãi nhất.

Những vấn đề thay đổi trong dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng đã được tranh luận tại các cuộc họp, hội thảo được nhiều ý kiến ủng hộ bởi các đơn vị hợp nhất này có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, lĩnh vực quản lý gần nhau, liên quan nhau, nên hợp nhất dễ dàng và thuận lợi.

Việc hợp nhất này là một bước triển khai thực hiện công cuộc cải cách hành chính, nhất là các nội dung liên quan đến tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Việc quy định 6 sở “mềm” để từng địa phương tùy vào điều kiện cụ thể có thể thành lập hoặc không để tăng thêm quyền tự quyết của địa phương. Như việc địa phương nào có nhiều dân tộc sẽ có thể có thêm Ban Dân tộc, nơi phát triển du lịch có thể thành lập Sở Du lịch,...

Cải cách hành chính tập trung vào xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, việc hợp nhất một số Sở lại với nhau sẽ được nhân dân ủng hộ, bởi nó thu gọn, giảm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính hiện nay; giúp tiết kiệm ngân sách, giảm các thủ tục hành chính, nhân sự, cấp trung gian để quá trình xử lý sự việc nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cũng sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn trong vấn đề thiết kế, tổ chức bởi các đơn vị hiện nay có chức năng, nhiệm vụ tương đối ổn định, cách thức điều hành khác nhau, nhập lại chắc chắn cần một “độ trễ” nhất định và cần có thời gian để thu xếp ổn định.

Một vấn đề khác là đụng chạm lợi ích đối với cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu. Bởi vì ngay sau khi HĐND được bầu năm 2016 thì UBND cũng được bầu và theo quy định, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn này là thành viên UBND. Những vị trí quan trọng này vừa được bầu và bổ nhiệm nên việc nhập vào sẽ có sự xáo trộn về đội ngũ lãnh đạo, chắc chắn nhiều cán bộ lãnh đạo không khỏi tâm tư, có tác động đến tâm lý, nên cần có tính toán kỹ về vấn đề nhân sự.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Sở Xây dựng sẽ được sáp nhập với Sở Giao thông vận tải (Ảnh minh hoạ).
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Sở Xây dựng sẽ được sáp nhập với Sở Giao thông vận tải (Ảnh minh hoạ).

Một điều không thể không đề cập đến là việc sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ công chức khi sáp nhập. Công việc nhiều cần chọn người đứng đầu có năng lực tầm nhìn tốt, có năng lực sắp xếp, phân công hợp lý nhân sự đảm bảo thực hiện công việc với hiệu quả cao.

Vừa qua, không ít ý kiến cho rằng cần duy trì tính ổn định hoạt động của một số đơn vị Sở. Có thể các ý kiến chưa ủng hộ sát nhập Sở có sự hợp lý tiểu tiết nhất định. Nhưng nhìn tổng thể, cần có cái nhìn rộng hơn, tổng quát hơn, hướng đến sự phát triển thì những cái tạm gọi là “quá nhiều việc”, “năng lực cán bộ còn yếu”, “khó quản lý” sẽ được khắc phục qua việc cải biến thay đổi cách tư duy, thay đổi bản thân lãnh đạo, thay đổi công tác chọn cán bộ đứng đầu, thay đổi thể chế liên quan.

Một trong những giải pháp là cải cách, cải cách triệt để. Trong tinh thần đó, có cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, mà một khâu quan trọng trong đó là tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Cần một tư duy cải cách và nhiệt huyết nhưng hành động phải thận trọng và quyết liệt”.

"Tách ra bao giờ cũng dễ hơn nhập lại vì đụng lợi ích"

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Đại học Nội vụ cho rằng việc hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý các lĩnh vực gần nhau, liên thông nhau là chủ trương cần thiết và đúng đắn. Đây là một bước triển khai thực hiện yêu cầu của nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên khi cơ cấu lại các cơ quan, bao giờ tách ra cũng dễ hơn là nhập lại vì việc sắp xếp này đụng đến lợi ích.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công.

Mặt khác, chính việc hợp nhất, thu gọn đầu mối cũng làm cho các đầu mối hành chính tập trung lại, tăng hiệu quả giao tiếp và phục vụ nhân dân. Chỉ có điều phải lưu ý trong hợp nhất cần là cố gắng theo hướng không máy móc cộng gộp các tổ chức, đơn vị hiện có mà cần có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đề nghị không nên quy định cứng việc thành lập các sở ban ngành ở tất cả tỉnh thành địa phương. Căn cứ tình hình địa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương sẽ xem xét thành lập các sở phù hợp. Ví dụ như có tỉnh thế mạnh chủ yếu là nông nghiệp thì việc thành lập Sở Nông nghiệp phải là ưu tiên. Có tỉnh thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ thì sẽ thành lập Sở Du lịch...

Thế Kha (ghi)