1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên trấn an việc bảo vệ biển

Thái Anh

(Dân trí) - Về việc resort bịt kín đường xuống biển, Bộ trưởng khẳng định đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Về đại dự án tại biển Cần Giờ (TPHCM), Bộ trưởng kỳ vọng, đây là dự án kinh tế sinh thái hoàn hảo.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc cá nhân tổ chức chiếm dụng các bãi biển đẹp, sử dụng và chuyển nhượng bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà dẫn các quy định về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Bộ Tài nguyên đã bám quy định này để công bố đường triều kiệt làm cơ sở cho việc bảo vệ hành lang (trong phạm vi 100m từ đường triều kiệt – PV).

Ông Hà báo cáo, hiện có 10 tỉnh đã phê duyệt, 6 tỉnh đang thực hiện, 12 tỉnh hiện nay đã trình lên Trung ương để lấy ý kiến về phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển. Bộ trưởng nhận định, con số chỉ 10 địa phương/28 tỉnh thành thực hiện quy định đã được luật hoá như vậy còn quá chậm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên trấn an việc bảo vệ biển - 1
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, nhiều dự án trước đây, khi chưa quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, đã có hiện tượng chiếm dụng đường xuống biển. Đây cũng là hệ luỵ của việc phải chấp nhận thu hút đầu tư, “nương” tay cho các dự án. Để khắc phục tình trạng này, hiện tại, đi đầu là Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Định đã tiến hành thu hồi các dự án hoặc thoả thuận với các chủ đầu tư để mở đường xuống biển, đảm bảo quyền tiếp cận, tự do sử dụng bãi biển của người dân

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường cũng nhận định, tới đây có nhiều vấn đề cần phải lưu ý hơn, như chuyện lấn biển. Bộ đang trình và được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thống nhất sẽ ban hành Nghị định quản lý hoạt động lấn biển.

Mở rộng vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng trình bày thêm về quan điểm đối với dự án lấn biển Cần Giờ ở TPHCM mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã nêu từ buổi trước.

Hồi đáp, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường khẳng định, TPHCM coi Cần Giờ là một địa bàn hết sức đặc biệt, là một biểu tượng, là lá phổi của thành phố. Thực tế, trong số 31.000 hecta rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ, có 20.000 hecta được tạo dựng từ công sức lao động của lớp thanh niên xung phong TPHCM sau giải phóng 1979. Bộ trưởng chia sẻ “rất hiểu sự quan tâm đặc biệt của người dân thành phố với dự án xây dựng khu đô thị ven biển Cần Giờ”.

Bộ trưởng phân tích, đời sống của người dân Cần Giờ hiện tại so với mức phát triển chung của TPHCM còn hạn chế nhưng đặt vấn đề phát triển kinh tế thì trước hết vẫn phải đảm bảo mục tiêu giữ được biểu tượng, giữ được lá phổi, giữ được hệ sinh thái, sinh quyển của Cần Giờ. Sự phát triển kinh tế đô thị trước hết phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái.

Dự án khu đô thị mới Cần Giờ, theo Bộ trưởng, được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển khoảng 600 hecta, nay được điều chỉnh, nâng lên mức hơn 2.800 hecta (gồm cả phần diện tích trên bờ).

Bộ trưởng giải thích, dự án nằm ở phần tiếp giáp chứ không phải ở vùng lõi, vùng đệm hay vùng lân cận của khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận tại Cần Giờ. Những tác động của dự án cũng  được tính toán kỹ lưỡng. Chủ đầu tư dự án đã sử dụng các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, như chuyên gia Hà Lan thực hiện việc đánh giá tác động đến môi trường và xã hội.

Với nguyên tắc bảo tồn nguyên sinh, đảm bảo hệ sinh thái không thay đổi, giữ trọn vẹn rừng ngập mặn ở Cần Giờ, các tiêu chí về xử lý nước thải, chất thải, đảm bảo chất lượng không khí được tính toán “chạy” theo.

Có một yếu tố, theo Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa đề cập đầy đủ là nguồn vật liệu san lấp. Bộ trưởng cung cấp thông tin, chủ đầu tư đang đưa ra phương án lấy vật liệu tại chỗ để san lấp. Cụ thể, cùng với việc duy trì hệ sinh thái nước mặn, nước ngọt tại khu vực, một hồ lớn sẽ được đào tại trung tâm khu đô thị Cần Giờ và lấy vật liệu tại đây để san lấp ra phía ngoài biển.

“Tôi cho rằng, nếu làm được việc này thì đây là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề” – Bộ trưởng nhận định.

Khái quát lại, Bộ trưởng cho biết, với quy mô 280.000 hộ dân, hướng tới mục tiêu thu hút, phục vụ khách du lịch, dự án đã tính toán làm một con đường đi ngay trên con đường hiện nay, làm trên cao để làm sao không mở rộng diện tích làm cơ sở hạ tầng, không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái từ hoạt động giao thông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ: “Tôi cho rằng, đây là một dự án cần phải làm ở mức cao nhất về bảo vệ môi trường. Nếu thành công, đây có thể là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên hoàn hảo”.