Đã và đang đưa khoảng 2.000 lao động Việt Nam rời Lybia
(Dân trí)- "Đã có 105 lao động đang trên đường bay sang Đubai; hơn 400 lao động khác đang sang gần đến biên giới Ai cập và sẽ được người của Đại sứ quán nước ta đón", ông Trần Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Ông Trần Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết về tình hình mới nhất của lao động Việt Nam đang ở Libya.
Tình trạng mất ổn định tại Libya đã ở mức nghiêm trọng. Xin ông thông báo cụ thể tình hình của gần 10.000 người Việt Nam đang lao động nước này?
Thực tế chúng ta có khoảng 10.000 lao động xây dựng đang làm việc tại Libya, ở các công trình xây dựng của các nhà thầu nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ, Brazin, Hi Lạp, Đức…), trong đó có khoảng 2.000 lao động đang làm việc ở thành phố Bengazi nơi xảy ra bạo loạn lớn; khoảng 5 nghìn công nhân khác ở Tripoli cũng là vùng đang xảy ra biểu tình.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo đảm cuộc sống cho người lao động tại Libya. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục theo dõi sát tình hình tại Libya và tình trạng an toàn của từng nhóm người lao động để kịp thời đưa những nhóm lao động ở những nơi an ninh không bảo đảm đến những nơi an toàn hơn. Đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với đối tác để quản lý và bảo đảm an toàn và cuộc sống cho người lao động; vận động, đôn đốc đối tác đưa tất cả sơ tán khỏi Libya.
Chúng tôi được biết, cho đến thời điểm hiện tại, các đối tác sử dụng lao động Việt Nam đã và đang xúc tiến đưa khoảng 2.000 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunesia …để từ đó đưa về Việt Nam.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện của ta tại các nước tổ chức đón và làm thủ tục cho người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã thành lập các tổ công tác sang các nước láng giềng của Libya để phối hợp với cơ quan đại diện đón, làm thủ tục và tổ chức cho người lao động về nước, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng đã lập kế hoạch đưa máy bay sang hoặc phối hợp với các hãng hàng không các nước bạn bố trí máy bay đưa lao động về nước nhanh chóng, an toàn. Căn cứ vào tình hình hiện nay, chúng tôi nhận định: đưa lao động rời khỏi Libya bằng đường bộ là phương án tốt nhất.
Khi nào sẽ bắt đầu chuyến di tản đầu tiên của lao động Việt Nam thưa ông?
Hôm nay (25/2) có thể sẽ có chuyến di tản đầu tiên đưa lao động về đến Việt Nam. Hiện đã có 105 lao động đang trên đường bay sang Đubai; hơn 400 lao động đang sang gần biên giới Ai cập và đang được Đại sứ quán cử người sang biên giới Ai cập để đón. Số đã và đang đi khoảng 2.000 người.
Đã có thông tin gì về thương vong của lao động Việt Nam tại Libya? Sau khi về nước, người lao động có được đảm bảo đầy đủ quyền lợi?
Đến thời điểm này, Cục vẫn chưa nhận được thông tin về lao động thiệt mạng hay bị thương. Trước mắt cơ quan chức năng sẽ tập chung đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, trở về nước an toàn. Sau đó mới xét đến khâu quyền lợi của người lao động. Chắc chắn sẽ theo các quy định của pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng đã ký với doanh nghiệp sử dụng lao động.
Xin cảm ơn ông!
P. Thanh (thực hiện)