Đồng Nai:

Đá "tặc" lộng hành tàn phá môi trường sống

(Dân trí) - Cây lâu năm bị cày tung, đất nông nghiệp không thể cải tạo, đường xá bị băm nát, khói bụi ảnh hưởng đến đời sống người dân…là những hệ luỵ từ tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Thực trạng khai thác đá trái phép đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để

Khai thác đá...vô tội vạ!

Cảnh khai thác đá trái phép tại một cơ sở không tên trên địa bàn xã Sông Trầu
Cảnh khai thác đá trái phép tại một cơ sở không tên trên địa bàn xã Sông Trầu

Theo ghi nhận tại ấp 3 xã Sông Trầu, trước đây trên địa bàn xã chủ yếu trồng tràm lâu năm, một số hộ có diện tích màu mỡ thì trồng tiêu, cà phê, mía nhưng mấy năm qua một số hộ dân đã bỏ hẳn việc canh tác chuyển sang bán đá “mồ côi” cho lái buôn của các xưởng xẻ đá “chui” trên địa bàn. Thậm chí có hộ còn tự mở xưởng khai thác đá ngay trên phần đất nông nghiệp nhà mình.

Giá cả mỗi thửa đất cũng khác nhau tuỳ vào độ dày của đá hoặc ở những vị trí thuận tiện đi chuyển. Giá bán 1.000m2 đất để khai thác đá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, giá thuê đất “mềm hơn” dao động từ 10 – 20 triệu đồng/1.000m2. “Mọi thủ tục sẽ được thoả thuận giữa hai bên và không cần phải thông qua chính quyền địa phương. Anh muốn mua bao nhiêu cũng có, chính quyền địa phương anh không cần phải lo, đó chỉ là chuyện nhỏ. Ở đây bao nhiêu cơ sở kinh doanh ầm ầm có sao đâu” – “Cò” C. khẳng định chắc nịch.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những năm trước người dân nơi đây chủ yếu cho cho các doanh nghiệp khai thác đá thuê đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân chủ yếu bán thẳng đất để lấy tiền đi nơi khác sinh sống. Lý giải việc này, nhiều người dân cho rằng, diện tích sau khi cho các doanh nghiệp thuê khai thác đá xong gần như không thể sử dụng được. Trên mặt đất chỉ còn lại những hố sâu lồi lõm, đất biến chất trầm trọng không thể trồng bất kỳ một loại cây nào. Muốn tái sử dụng phải trải qua nhiều công đoạn và tốn kém đến hàng chục triệu đồng/1.000m2.

Chỉ cách UBND xã Sông Trầu khoảng 3km, chúng tôi ghi nhận trên đoạn đường nội bộ bụi bay mù mịt, đất đá rơi vãi rải kín mặt đường. Dù đường chỉ rộng 8m, nhiều khúc cua gấp nguy hiểm nhưng hàng trăm lượt xe ben, xe tải chở đá nườm nượp ra vào. Nhiều xe tải đợi bốc xếp đá lên xe chật kín con đường khiến việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Dọc hai bên đường hàng chục xưởng khai thác đá không biển hiệu nhưng vẫn ngang nhiên khai thác, chế biến đá một cách công khai. Trên mỗi xưởng đá đều có ít nhất 3 chiếc xe xúc liên tục múc đá dưới lòng đất lên đổ vào những chiếc xe tải đậu sẵn gần đó. Xung quanh xưởng đá, từng tốp công nhân đang mài, xúc, vận chuyển đá giữa cái nắng như đổ lửa. Hàng ngàn m3 đá được các xưởng sản xuất khai thác trái phép mỗi ngày.

Những khối đá được đào từ đất nông nghiệp 
Những khối đá được đào từ đất nông nghiệp 

“Hết xe chở đá này ra thì xe khác đến, cứ liên tục như vậy từ sáng sớm đến tận khuya. Tiếng máy xúc, tiếng máy cắt đá, đập đá vang trời khiến mọi người inh tai nhức óc, không thể chịu được. Những nhà ở mặt tiền đường gần như không dám mở cửa vì sợ bụi phủ kín nhà.” – Một người dân địa phương than thở.

Người dân nơi dây cũng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng sự việc vẫn không được thay đổi. Ông B. (người dân nơi đây) bức xúc: “Từ ngày có những xưởng khai thác đá mọc lên ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bụi phủ kín khắp các nhà dân ở khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Đoạn đường nộ bộ của ấp cũng bị xới nát, xe chở đá cũng chạy như bay trong đường ấp khiến mọi người khiếp vía. Đây là đoạn đường gần trường học nên việc va chạm giữa xe đá và xe học sinh xảy ra như cơm bữa. Mặt khác, tiếng ồn của những xưởng đá cũng khiến nhiều người bức xúc phải bỏ đi nơi khác sinh sống”.

Chính quyền “bó tay”?

Việc khai thác đá trái phép diễn ra từ nhiềm năm nay nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm
Việc khai thác đá trái phép diễn ra từ nhiềm năm nay nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm

Hàng loạt cơ sở khai thác đá, xẻ đá, xưởng đá “chui” mọc lên “như nấm sau mưa” dù chính quyền địa phương đã ra từng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý về vấn đề khai thác khoáng sản trái phép nhưng thực trạng này vẫn không được xử lý triệt để. Phải chăng do lợi nhuận thu được từ việc làm phi pháp này quá lớn trong khi chế tài, mức xử phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe.

Ông Vương Đăng Giáp, phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết: “Việc khai thác đá trái phép tại ấp 3 xã Sông Trầu đã diễn ra trong nhiều năm qua. Xã cũng nhiều lần xử phạt hành chính nhưng vấn đề vẫn chưa được triệt để. Tình trạng một số hộ dân có cải tạo đất vườn và khai thác đá cục xã đã phối hợp với phòng Tài nguyên môi trường xử phạt nhiều hộ gia đình vì sử dụng đất sai mục đích. Tuy vậy, nhiều người dân cũng chống đối bằng cách khi có đoàn kiểm tra thì ngưng hoạt động rồi sau đó hoạt động trở lại. Nhiều hộ tập trung khai thác vào ban đêm nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì nhân lực ở cấp xã rất mỏng không thể nào thường trực 24/24 để kiểm tra xử lý. Xã cũng không có thẩm quyền và đầy đủ phương tiện để bắt giữ tang vật vi phạm nên chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Do đó, tại địa bàn vẫn còn nhiều hộ cố tình vi phạm và xã cũng đang tăng cường công tác điều tra để xử lý. Tình trạng xưởng sản xuất đá không biển hiệu là do các đơn vị kinh doanh chưa đủ thủ tục kinh doanh. Theo đúng luật thì các cơ sở trên chưa được phép kinh doanh”.

Điều kỳ lạ là các cơ sở khai thác, xe đá mà ông Giáp nói dù chưa có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động rầm rộ từ nhiều năm nay mà chính quyền địa phương vẫn không có động thái, xử lý, ngăn chặn.

Cũng theo ông Giáp, trong năm 2014 UBND xã Sông Trầu đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trảng Bom kiểm tra, xử lý vi phạm 10 trường hợp tận thu đá trái phép với tổng số tiền phạt khoảng 76 triệu đồng. Đối với các chủ sử dụng đất cho các cơ sở tận thu đá, UBND xã Sông Trầu đã lập biên bản, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt hơn 9 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu không cho các phương tiện cơ giới tiếp tục tận thu đá trái phép. Đối với các cơ sở cưa xẻ đá, qua kiểm tra Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên – Môi trường đã lập biên bản xử lý vi phạm 7 trường hợp với tổng số tiền phạt khoảng 106 triệu đồng.

Cụ thể, các cơ sở không có giấy phép kinh doanh, chủ sử dụng đất, chủ thể khai thác từng bị xử phạt gồm cơ sở Việt Tiến Vũng Tàu (không có giấy phép kinh doanh), Tằng Sẹc Sáng, Tạ Ngọc Pẩu, Vy Cún Sáng, Bùi Quang Tịnh, Cty Dược Kỳ Phương, Lê Văn Út, Vũ Văn Thảo, Cuốn Mùi, Trần Thế Thu, Cao Ru Y (chủ sử dụng đất); Hồ Thín Dưỡng, Thái Minh Trung, Lưu Phước Toàn, Hoàng Quốc Vũ, Nguyễn Bạch Ly Sơn, Châu Vĩnh Vần, Lê Hữu Xuân, Phạm Văn Hùng, Châu Văn Tâm, Bùi Văn Hoàng, Đỗ Văn Quang (chủ thể khai thác).

Qua trao đổi PV Dân trí về việc hàng loạt xưởng đá chui hoạt động trái phép, ông Vương Đăng Giáp khẳng định: “Trong thời gian tới UBND xã Sông Trầu sẽ tăng cường quản lý và phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo công tác quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời cùng với các ngành chức năng có biện pháp xử lý dứt điểm các xưởng cưa xẻ đá chui, thực hiện di dời các cơ sở vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.

Xe chở đá chạy vô tư lưu thông trong khu dân cư
Xe chở đá chạy vô tư lưu thông trong khu dân cư

Ngày 27/12, ông Ngô Đức Vượng, Phó phòng tài nguyên và môi trường huyện Trảng Bom cho biết huyện đang kết hợp với tỉnh Đồng Nai và xã Sông Trầu lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra xử lý tất cả những cơ sở vi phạm nhằm ngăn chặn nạn khai thác đá trái phép tại xã Sông trầu. “Đoàn sẽ tích cực tăng cường kiểm tra thường xuyên trong cả các ngày nghỉ nhằm ngăn chặn mọi hành vi khai thác đá trái phép tại địa bàn”.

Tiếp tục liên lạc với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở cho biết, việc xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản, khai thác đá…tỉnh đã có quy chế phân cấp, thuộc trách nhiệm cấp nào xử lý cấp đó. Về phía Sở nhận được phản ánh của Báo Dân trí về tình trạng khai thác đá tràn lan tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, nếu việc chưa nghe địa phương báo cáo hoặc chưa xử lý lần nào thì Sở sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể các điểm khai thác đá “chui” để xử lý đúng với quy định của pháp luật.

Xuân Hinh – Thế Phong