Đa số đại biểu đồng ý việc từ nhiệm của các chức danh chủ chốt
(Dân trí) - Chiều nay 24/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã đọc kết quả thảo luận ở đoàn và phiếu xin ý kiến miễn nhiệm chức vụ của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Theo đó, đa số đại biểu đồng ý việc <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/125396.vip">từ nhiệm</a> của các lãnh đạo cao cấp.
Ông Thanh cho biết, đoàn thư ký kỳ họp đã nhận đầy đủ biên bản thảo luận và phiếu xin ý kiến của 64 đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó, 49 đoàn nhất trí hoàn toàn với tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và tờ trình của Chủ tịch nước về việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Văn An: Có 387 phiếu đồng ý, bằng 82,34% số phiếu thu về và bằng 78,5% tổng số đại biểu.
Về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của ông Trần Đức Lương: Có 458 phiếu đồng ý bằng 98,49% phiếu thu về và bằng 92,9% tổng số đại biểu.
Lãnh đạo mới phải cam kết không tham nhũng
“Đề nghị những người ứng cử để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải có bản kê khai tài sản, có chương trình hành động, có cam kết không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Có hình thức thích hợp để Quốc hội và các đại biểu có điều kiện nghiên cứu hồ sơ lý lịch của những ứng viên trình Quốc hội bầu phê chuẩn”.
(Kiến nghị của đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Bình khi thảo luận về việc miễn nhiệm 3 chức danh chủ chốt của Nhà nước). |
Về việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng của ông Phan Văn Khải: Có 452 phiếu đồng ý bằng 98,47% số phiếu thu về và bằng 91,68% tổng số đại biểu.
Tại phiên thảo luận, một số đoàn đề nghị: Có số dư khi bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng (đoàn Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh); đề nghị giải trình về việc không kết hợp hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước (đoàn Hà Nam); phải qui định ở cấp nào thì có quyền đề nghị quyết định bổ nhiệm để tập thể có ý kiến, từ đó phát huy trách nhiệm người đứng đầu (đoàn Hà Nội).
Ngoài ra, có một số ý kiến về các nhân sự mà Quốc hội xem xét ở kỳ họp sau như: Nếu có trường hợp tự ứng cử thì Chính phủ phải có ý kiến (đoàn Hà Nội); đề nghị giới thiệu thêm nhân sự ít tuổi hơn Thủ tướng để trình Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Phó thủ tướng, giới thiệu đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (đoàn Thái Bình); đề nghị xem xét nhân sự ở Bộ GTVT (đoàn Ninh Bình)...
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua danh sách ban kiểm phiếu (15 người) do ông Nguyễn Văn Thuận, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng làm trưởng ban.
Thứ hai, ngày 26/6, Quốc hội sẽ bỏ phiếu và công bố kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đức Hòa