1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng tìm giải pháp “sống chung” với ngập lụt

(Dân trí) - Sáng 18/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt TP Đà Nẵng” với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành.

Lũ xuất hiện ngày càng nhiều và lớn hơn

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 1976 đến nay, hàng năm ở TP Đà Nẵng xuất hiện trung bình 2-3 đợt lũ. Trong 37 năm trên có 8 năm xuất hiện lũ trên mức báo động 3 tại Cẩm Lệ. Đó là các năm, xếp lần lượt từ lũ lớn đến nhỏ là 1999, 2007, 1998, 2009, 1980, 1983, 2013.

Ông Thắng dẫn chứng, lũ năm 1998 làm cho 32 người chết, 27 người bị thương, sập trôi 158 ngôi nhà, ngập nặng 19.029 ngôi nhà, thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Lũ năm 1999 làm cho 37 người chết, 61 người bị thương, sập trôi 5.579 ngôi nhà, ngập nặng 46.333 ngôi nhà, thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất.

Lũ tại Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều và lớn hơn
Lũ tại Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều và lớn hơn

Từ năm 1976 đến 1997, trong 22 năm chỉ xuất hiện có 02 đợt lũ trên báo động 3 ở mức vừa nhưng từ năm 1998 đến nay, chỉ trong 17 năm đã xuất hiện liên tiếp 06 đợt lũ đặc biệt lớn trên báo động 3. Trong đó, lũ 1999 xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1964 tại Cẩm Lệ. Đặc biệt xuất hiện lũ quét lịch sử trên sông Túy Loan.

“Như vậy, lũ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hơn và lớn hơn”, ông Thắng nói.

Giải pháp để thích ứng với ngập lụt

Theo ông Thắng, Đà Nẵng là thành phố đang phát triển mạnh, đặc biệt là phát triển đô thị cơ sở hạ tầng, nhất là phía Nam thành phố - nơi trước đây là tuyến thoát lũ tự nhiên của hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn qua cửa Hàn (phía Nam qua cầu Cửa Đại). Những đô thị mới được hình thành dọc các sông chính Cầu Đỏ - Cẩm Lệ và Vĩnh Điện (sông Cái), nhiều đô thị lấn sát bờ sông thậm chí lấn sông, nhiều cồn bãi sông được kè, đắp cao thành khu dân cư đảo nổi, nhiều bãi sông bị trồng cây lâu năm ảnh hưởng rất lớn đến thoát lũ, làm giảm hẳn mặt cắt thoát lũ và mất đi không gian chứa lũ. Những hệ thống giao thông quốc lộ 14B, nâng cấp quốc lộ 1A, đường vành đai phía Nam, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hòa Tiến – Hòa Phong…. trở thành những đê bao chặn lũ làm tăng mức lũ vào kéo dài thời gian ngập lũ. Khi diện tích thoát lũ bị co hẹp thì mức nước sẽ tăng lên, đồng nghĩa với sự phá vỡ quy hoạch cũ. Những đô thị được thiết kế với tần suất lũ 5% trước đã bị ngập bởi các lũ nhỏ hơn. Các vùng ngập lũ trước đây sẽ bị ngập sâu hơn và kéo dài hơn. Đồng thời với mực nước tăng lên là vận tốc lũ sẽ lớn hơn, làm cho thiệt hại do lũ tăng lên, phá vỡ tính bền vững trong phát triển đô thị.

Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt
Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt

Vì thế, ông Thắng đề nghị, để đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố mang tính bền vững cũng như tránh việc tăng và kéo dài ngập lụt cho các địa phương ở thượng du, cần tiến hành quy hoạch và quản lý hành lang thoát lũ theo hướng các đô thị phải cách xa bờ sông, giữ trạng thái tự nhiện của các cồn, bãi sông, tăng chiều dài của các cầu và thiết kế bổ sung hàng loạt cầu cạn trên các tuyến đường chắn ngang.

Còn theo ông Võ Văn Lễ, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, trong quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xét đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên đối với đô thị cũ do kế thừa hệ thống thoát nước và cao độ nền hiện trạng nên trước diễn biến của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai sẽ xảy ra tình trạng ngập đối với những khu vực ven sông, ven sông có cao độ hiện trạng thấp. Để giải quyết tình trạng ngập nước trong khu đô thị cũ dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng chính quyền thành phố cần đưa ra lộ trình đối với với biển đổi khí hậu và nước biển dâng như: từng bước nâng cao trình đỉnh kè sông, biển; xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước chính (tuyến cống chính, hồ điều tiết, trạm bơm chống ngập…), trồng rừng ngập mặn ngoài đê để hạn chế tác động của bão, lũ và nước biển dâng, đẩy mạnh việc trồng cây xanh đô thị.

Trong khi đó, đai diện của Sở Xây dựng Đà Nẵng thì đưa ra giải pháp: Đối với khu vực không chịu ảnh hưởng của lũ lụt, khu vực này ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, các ngành công nghiệp, dịch vụ quan trọng như công nghiệp công nghệ cao, kho tàng, du lịch nghỉ dưỡng. Còn đối với khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, cần tập trung ưu tiên cho công tác lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trong đó việc xác định cao độ nền xây dựng và giải phát thoát lũ là quan trọng nhất.

Khánh Hồng