Đà Nẵng tiếp thu ý kiến đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh
(Dân trí) - Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng tiếp tục tiếp thu và ghi nhận sự quan tâm của người dân đối với kiến nghị nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Ngày 11/12, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng đã chính thức phản hồi ý kiến của người dân về việc nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Trước đó ngày 6/12, trên cổng góp ý Đà Nẵng, một người dân tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đã đề xuất đặt tên đường theo tên cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Người này nhấn mạnh, ông Nguyễn Bá Thanh đã mất khá lâu nhưng vẫn chưa được đặt tên đường và kiến nghị thành phố xem xét.
Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng đã tiếp thu và ghi nhận sự quan tâm của người dân đối với kiến nghị này. Đơn vị đã đề xuất Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố Đà Nẵng đưa tên ông Nguyễn Bá Thanh vào quỹ tên đường của thành phố để xem xét.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng, căn cứ vào hồ sơ các tuyến đường đề nghị đặt tên phù hợp của UBND các quận, huyện, Sở sẽ lấy ý kiến từ các cơ quan, đoàn thể liên quan trước khi đề xuất hội đồng tư vấn đưa vào dự thảo đề án, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định trong thời gian tới.
Được biết, trong danh sách Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng trình Hội đồng nhân dân tại kỳ họp cuối năm, có 16 tuyến đường được đặt tên theo nhân vật lịch sử, làng/xóm xưa, nhưng không có tên đường Nguyễn Bá Thanh.
Đây không phải là lần đầu tiên cử tri Đà Nẵng có kiến nghị đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh. Trước đó, tại chương trình tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, cử tri cũng đã nêu kiến nghị này. Năm 2015, truyền thông cũng đưa tin về việc cử tri có ý kiến đổi tên cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước thành cầu Nguyễn Bá Thanh.
Ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trong suốt thời gian làm lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ông Thanh đã góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và có các chính sách an sinh xã hội tồn tại cho đến ngày nay như: chương trình "5 không 3 có".
5 không gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không giết người cướp của; 3 có gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.