1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đà Nẵng có thể tiếp tục phát hiện hàng chục ca Covid-19 mới mỗi ngày”

Thái Anh

(Dân trí) - Tới nay, các ca có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 nhưng chưa đến Đà Nẵng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Các chuyên gia dự báo, Đà Nẵng có thể phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày…

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và các tỉnh thành có người đi/đến thành phố này, ngày 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam triệu tập họp nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhóm các chuyên gia này vẫn duy trì hoạt động từ đầu tháng 3 tới nay. Từ ngày 23/7, khi xuất hiện ca nghi nhiễm mới tại Đà Nẵng, hoạt động của nhóm cũng được tăng cường với 4 ca trực liên tục mỗi ngày để phân tích dữ liệu, đưa ra các nhận định, dự báo về tình hình dịch.

“Đà Nẵng có thể tiếp tục phát hiện hàng chục ca Covid-19 mới mỗi ngày” - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 làm việc với nhóm chuyên gia, nhà khoa học, các tình nguyện viên ngày 30/7 (ảnh: VGP)

Phân tích dữ liệu về xét nghiệm những người có triệu chứng tại các cơ sở y tế ở các địa phương, các chuyên gia lưu ý con số, tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ ngày 4/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 320 ca có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, chỉ tính từ ngày 1/7 đến nay thì có 138 xét nghiệm, đều cho kết quả âm đều âm tính…

Nhận định đưa ra từ phân tích này là tới nay, dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể thấy, khả năng cao là nguồn bệnh Covid-19 mới xuất hiện bắt đầu từ Đà Nẵng.

Trong những ngày tới, các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định vấn đề này.

Việc khẳng định được kết luận này có ý nghĩa quan trọng vì khi xác định được dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại thành phố thủ phủ miền Trung, với các địa phương khác chỉ phải tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại, nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.

Đi sâu vào diễn biến dịch tại Đà Nẵng, nhóm chuyên gia cũng phân tích, dù có một số ca nhiễm ở ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện C, bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình). Trong các bệnh viện này, số ca bệnh cũng tập trung ở một số khoa. Biểu hiện này, theo các chuyên gia, khá tương đồng với ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây.

Nhóm phân tích đưa ra dự báo, trong vài ngày tới đây, Đà Nẵng có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này. 

Đánh giá các nhận định đưa ra, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế) nhận xét, tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7 dịch mới phát ở Đà Nẵng, bởi kết quả xét nghiệm những ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính.

Phó Trưởng nhóm chuyên gia - ông Nguyễn Thế Trung (thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử) cũng chỉ rõ, kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý là chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng và ổ dịch tại khu 3 bệnh viện tại Đà Nẵng khá giống với ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai.

Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.

Một điểm được lưu ý, việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đợt trước làm nhanh hơn so với cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng hiện tại.

Đánh giá cao những kết quả, phân tích nhóm chuyên gia đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đóng góp của nhóm không chỉ giúp truy vết mà việc phân tích dữ liệu để đưa ra các nhận định, khuyến nghị cũng hết sức quan trọng. Không ít thời điểm, áp lực xã hội không hề nhỏ nhưng kết quả phân tích dữ liệu trên cơ sở khoa học để đưa ra quyết định là hết sức cần thiết.

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh việc rà soát, theo dõi y tế toàn bộ những người đến, đi qua Đà Nẵng; những người có bệnh nền và giúp các bệnh viện của Đà Nẵng giảm tải nhanh nhất.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu không chủ quan, luôn sẵn sàng, tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.