1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thanh Hóa:

Đá lớn ầm ầm lao xuống nhà dân

(Dân trí) - Từng khối đá nặng hàng chục tấn thi thoảng lại ầm ầm lăn xuống khu dân cư, khiến những người dân hoảng sợ trước nguy cơ có thể bị đá đè bất cứ lúc nào...

Thời gian gần đây, tại khu vực núi Pọng, thuộc địa bàn bản Pọng, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa thường xuất hiện tình trạng đá lở khiến người dân bất an, lo lắng.

Bản Pọng có 75 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, trong đó có hàng chục hộ dân sống ngay sát dưới chân núi. Theo phản ánh của người dân trong bản, đá từ trên núi lăn xuống bắt đầu từ cuối tháng 10/2013. Trước đó vào tháng 5/2013, tại ngọn núi này cũng xảy ra tình trạng sạt lở đá.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại hiện trường, những tảng đá to nặng hàng chục tấn lăn xuống nằm ngay cạnh nhà dân, nhiều cây cối và một số công trình của người dân bị đá làm hư hỏng. Rất may chưa có thương vong về người. Tuy nhiên, đã nhiều ngày qua, người dân nơi đây luôn sống trong nỗi lo đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Những tảng đá nặng hàng chục tấn lăn xuống ngay cạnh nhà dân.
Những tảng đá nặng hàng chục tấn lăn xuống ngay cạnh nhà dân.

Nhiều nhà dân đã phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới nhưng vẫn còn nhiều hộ ở dưới chân núi chưa được di dời. Chính quyền địa phương đã báo cáo UBND huyện Quan Hóa, huyện cũng đã cử đoàn công tác xuống nắm bắt tình hình, đề ra phương án di dời dân.

Theo kế hoạch, sẽ có 15 hộ dân với 60 nhân khẩu được di dời đến nơi an toàn nhưng hiện mới có 5 hộ được di dời.

Ông Phạm Bá Thu, Trưởng bản Pọng cho biết: “Sự việc bắt đầu xảy ra vào đêm ngày 25, rạng sáng ngày 26/10, người dân đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, cả làng bỏ chạy toán loạn, đá rơi xuống ầm ầm, thời gian kéo dài khoảng hơn 20 phút. Khi tiếng động đã im hẳn, thanh niên trong bản mới chạy lại gần xem thì thấy những khối đá lớn rơi xuống làm hư hỏng một số bể nước, cây cối hoa màu của những hộ dân dưới chân núi”.

Những tảng đá như thế này đè bẹp những gì trên đường lăn xuống.
Những tảng đá như thế này đè bẹp những gì trên đường lăn xuống.

Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo người dân.
Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo người dân.

Theo các cụ cao niên trong làng, tình trạng đá sạt lở đã xảy ra cách đây hàng chục năm. Trong năm 2013 này đã hai lần xảy ra sạt lở đá. Người dân nơi đây cũng không biết nguyên nhân do đâu.

Bà Hà Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của bản, chính quyền đã xuống xem xét sự việc và báo cáo lên huyện. Ngay hôm sau đoàn công tác của huyện về và có quyết định di dời 15 hộ dân trong vùng nguy hiểm. Đồng thời hỗ trợ mỗi hộ dân 10 triệu đồng để xây dựng nhà nơi ở mới. Chính quyền địa phương cùng với nhân dân trong bản hỗ trợ giúp các hộ dân công tác di dơi đến nơi an toàn. Sạt lở chỉ ảnh hưởng đến khu vực chăn nuôi của các hộ dân, làm hư hỏng một số công trình phụ. Các hộ dân còn lại từ đây đến cuối năm sẽ được di dời đến nơi an toàn”.

Duy Tuyên - Thái Bá