Đã chọn được đơn vị thuê khai thác cảng quốc tế Thị Vải
(Dân trí) - Mô hình Nhà nước đầu tư xây dựng sau đó đấu thầu chọn đơn vị khai thác đã thực hiện thành công với Cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cục Hàng hải Việt Nam đã ký hợp đồng cho thuê với các đơn vị trúng thầu hôm qua (7/3).
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, tiến tới phá bỏ dần sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp khai thác cảng của Việt Nam, đáp ứng các cam kết của Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); đồng thời là biện pháp nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Theo đó, các đơn vị trúng thầu thuê khai thác Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải là Liên danh Công ty TNHH một thành viên Công ty Cảng Sài Gòn - Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ - Công ty Cổ phần Vinacommodities - Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối Miền Nam - Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hải dầu khí Hưng Thái (gọi tắt là Liên danh CSG-PTSCPM-VINACOM).
Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải chiếm trên 60% tổng lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển toàn Việt Nam (ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải thuộc Dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, là 1 trong 6 nhóm cảng biển trong hệ thống cảng biển Việt Nam, nhóm cảng biển số 5 có vai trò quan trọng hàng đầu, đảm nhận thông qua khối lượng hàng hóa chiếm xấp xỉ 50% tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển cả nước, chiếm trên 60% tổng lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển toàn Việt Nam.
Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển số 5, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô đầu tư 2 bến container Cái Mép hạ, 2 bến tổng hợp Thị Vải, tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bến tổng hợp Thị Vải được thiết kế và xây dựng cho tàu chở hàng rời cỡ Panamax có trọng tải 50.000DWT (có xét đến tàu hàng rời 75.000DWT giảm tải), tổng chiều bến là 600m. Các công trình phụ trợ kèm theo gồm văn phòng điều hành, nhà kho, thiết bị (2 giàn cẩu đa chức năng 40 tấn), xưởng bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, mặt sân bãi, cổng kiểm tra.
Việc đưa Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tăng cường sự kết nối phía Nam của khu vực sông Mê Kông, tạo động lực thu hút cho đội tàu trung chuyển hàng hóa đến và đi từ Bà Rịa - Vũng Tàu, đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của ngành giao thông vận tải của nhóm cảng biển số 5, và hấp dẫn các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển có mặt tại khu vực để hình thành các liên doanh xây dựng và khai thác cảng biển.
Trước đó, từ những năm 2009 - 2011, một loạt bến cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải được đưa vào khai thác, cùng với đó là việc 16 tuyến vận tải đi Châu Mỹ và Châu Âu được các hãng tàu thiết lập từ khu cảng Cái Mép - Thị Vải này. Việc tàu mẹ có sức chở lên đến 14.000 TEUs đã vào, rời các cảng khu vực Cái Mép an toàn là tín hiệu đánh dấu sự giảm dần và tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển của khu vực như Singapore, Hong Kong,… đồng thời khẳng định khu vực Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn có thể hình thành một khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, với việc lựa chọn được nhà khai thác cảng là Liên danh nhà thầu CSG-PTSCPM-VINACOM - những đơn vị có kinh nghiệm khai thác cảng biển khu vực phía nam, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới trong những năm tới, hy vọng rằng đây là một khởi đầu mới đóng góp tích cực cho phát triển của ngành hàng hải nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam nói chung.
Châu Như Quỳnh