(Dân trí) - "Tôi gặp ông Shinzo Abe lần đầu lúc ông ấy 50 tuổi, giữ vị trí quan trọng số 2 của Đảng Dân chủ Tự do và ứng cử viên sáng giá của vị trí Thủ tướng Nhật Bản. Ông là người rất điềm đạm, khiêm nhường".
CỰU NGHỊ SĨ VIỆT KỂ CHUYỆN ÔNG ABE LÚC 50 TUỔI VÀ LỜI CHÀO: "ABE SENSEI"
"Tôi gặp ông Shinzo Abe lần đầu là lúc ông ấy 50 tuổi, giữ vị trí quan trọng số 2 của Đảng Dân chủ Tự do và là ứng cử viên sáng giá của vị trí Thủ tướng Nhật Bản. Ông là người rất điềm đạm, khiêm nhường...".
Đó là chia sẻ của ông Nghiêm Vũ Khải - nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, nguyên Tổng Thư ký Tổ chức nghị sĩ Việt - Nhật - về cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Chất" Nhật trong con người ông Abe
Ngày 8/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát khi đang vận động tranh cử cho thành viên Đảng Dân chủ Tự do ở thành phố Nara của nước này. Sự ra đi của ông Abe gây chấn động Nhật Bản và dư luận toàn thế giới. Với cá nhân ông, cảm xúc đầu tiên khi nhận tin buồn này như thế nào?
- Ngay khi có thông tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát, tôi rất sốc, tôi lo lắng và cũng nuôi hy vọng, cầu mong rằng ông Abe sẽ tai qua nạn khỏi. Tôi tiếp tục theo dõi liên tục mấy tiếng đồng hồ các thông tin cập nhật về tình hình của cựu Thủ tướng Abe trên nhiều kênh truyền thông trong nước, cả CNN của Mỹ và NHK của Nhật… Nhưng rất tiếc, cựu Thủ tướng Abe đã không qua khỏi.
Ông Shinzo Abe tại vị Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Lãnh đạo các nước trên thế giới đều đánh giá ông Abe là nhà chính trị xuất sắc, có rất nhiều đóng góp cho Nhà nước và nhân dân của ông.
Với Việt Nam, trong khoảng 10 năm làm Thủ tướng, ông Abe đã có đóng góp rất to lớn trong việc xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Việt Nam - Nhật Bản từ chủ trương "hướng tới quan hệ đối tác chiến lược" (2006) đến "đối tác chiến lược" và trở thành "đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" (2014) đều ghi dấu ấn và vai trò của một trong những nhà kiến tạo chủ chốt là cố Thủ tướng Abe.
Sự ra đi của ông Shinzo Abe là mất mát rất lớn đối với gia đình, đất nước ông và các đối tác, đồng minh của Nhật Bản.
Được biết ông đã có những lần tiếp xúc trực tiếp với cựu Thủ tướng Abe trong 15 năm gắn bó với Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm với cố Thủ tướng Abe?
- Lần đầu tiên tôi tiếp xúc trực tiếp với ông Abe là tháng 8/2004. Ông Abe lúc đó 50 tuổi và đang là Tổng Thư ký của Đảng Dân chủ Tự do; còn tôi là đại biểu Quốc hội khóa XI, Tổng Thư ký Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cũng là Chủ tịch Hội cựu sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản. Đoàn đại biểu Việt Nam thăm Nhật Bản thời điểm đó do ông Trần Đình Hoan - Chủ tịch Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản làm trưởng đoàn.
Ông Abe là người giữ vị trí quan trọng số 2 của Đảng Dân chủ Tự do, ứng cử viên sáng giá của vị trí Thủ tướng trong tương lai không xa và có quá trình hoạt động chính trị rất thành công, xuất thân từ một gia đình quyền quý… Nhưng con người, phong cách ông Abe rất điềm đạm, khiêm nhường thân thiện, in đậm phong cách tiêu biểu của người Nhật. Vì vậy, tôi thấy rất thoải mái và càng thêm quý mến đất nước, con người Nhật Bản.
Tôi và ông Abe nói chuyện bằng tiếng Nhật. Khi biết tôi từng là nghiên cứu sinh ở Nhật, ông Abe thể hiện sự quý mến và rất quan tâm. Ông Abe hỏi tôi học ở thành phố nào, chuyên môn gì, học sinh Việt Nam có cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi du học ở đây không…
Những năm tháng còn làm nghiên cứu sinh ở Nhật cách đây gần 35 năm, tôi đã tiếp xúc rất nhiều với người dân sở tại thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội. Sau đó được làm việc, cộng tác với các nhà chính trị nước này, nhất là khi được tiếp xúc với ông Abe, tôi nhận thức sâu sắc hơn về cảm xúc, nhãn quan văn hóa của người Nhật. Từ 30-40 năm trước, Việt Nam còn nghèo và rất khó khăn, trong khi Nhật đã là cường quốc kinh tế, nhưng điều đặc biệt ấn tượng với tôi là người Nhật không đánh giá một dân tộc giàu - nghèo qua GDP, họ rất tôn trọng lịch sử và văn hóa, nhất là sự hi sinh và chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh không thể quên về một chính khách
Cuộc đời làm chính trị của ông Abe trải qua những thăng trầm, có giai đoạn ông Abe rời chính trường vì lý do sức khỏe và rồi tiếp tục trở lại với vai trò người đứng đầu Chính phủ, là Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hình ảnh nào về ông Abe trên con đường chính trị mà ông ấn tượng nhất?
- Tôi rất khâm phục con đường chính trị và tài lãnh đạo của ông Abe. Năm 2006, ông Abe lên làm Thủ tướng, khi đó ông mới 52 tuổi và cũng là Thủ tướng Nhật Bản trẻ nhất của Nhật thời kỳ sau thế chiến thứ II. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm nền kinh tế của Nhật đang chững lại, tăng trưởng giảm.
Khi làm Thủ tướng, ông Abe đã gánh vác một sứ mệnh rất to lớn và khi nhắc tới ông người ta hay nói tới "Abenomics" - tức là học thuyết kinh tế của Abe, đã giúp Nhật Bản từng bước lấy lại vị trí trên trường quốc tế. Ông Abe từng nói: "Tương lai tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản phụ thuộc vào việc chúng ta có đủ ý chí và lòng dũng cảm để ra khơi một cách không do dự trên những vùng biển giông bão của cuộc cạnh tranh toàn cầu".
Vào những năm 2010-2011, Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe thất thế so với đảng cầm quyền. Cùng giai đoạn đó, tôi có chuyến đi thăm Quốc hội Nhật và có một hình ảnh về ông Abe khiến tôi không bao giờ quên.
Tôi gặp ông Abe đi lặng lẽ trong dòng nghị sĩ đang xuống cầu thang của tòa nhà Quốc hội sau phiên họp. Tôi cố gắng bước nhanh xuống cầu thang và chào: "Abe Sensei, Ogenki desu ka?" (Thưa Abe Tiên sinh, Ngài có khỏe không?). Ông Abe nhận ra tôi, ông dừng lại bắt tay và chào hỏi chân tình.
Các chính khách Nhật Bản, trong đó có ông Abe đã rất quen với cuộc đời hoạt động chính trị có tiến, có lui; có lên, có xuống… Nhưng lúc nào cũng thể hiện khí chất Samurai. Quả đúng vậy, năm 2012 khi Đảng của ông Abe giành chiến thắng, ông Abe đã trở lại vị trí là người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.
Ông đã từng biên dịch cuốn sách Kyojinka do chính cựu Thủ tướng Shinzo Abe viết lời tựa, cũng chính cuốn sách Kyojinka bản tiếng Việt lại được Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc tặng ông Abe trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 6/2017?
- Đúng như vậy. Cuốn sách được xuất bản ở Nhật năm 2013, năm 2015 tôi tiếp nhận bản quyền dịch cuốn sách từ Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu tổng hợp quốc gia Nhật Bản. Tên đầy đủ của cuốn sách là "Kyojinka: Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa ở Nhật Bản, châu Á và thế giới".
Kyojinka là sự dẻo dai. Trong nguyên bản, cố Thủ tướng Abe chính là người viết lời giới thiệu về cuốn sách, ông nhấn mạnh về kế hoạch khôi phục đất nước theo hướng "xây dựng Nhật Bản vừa mạnh mẽ, vừa dẻo dai" sau vụ động đất, sóng thần kinh hoàng năm 2011.
Cuốn sách Kyojinka bản tiếng Việt được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lời tựa và trực tiếp tặng Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe đã rất ngạc nhiên và vui vẻ đón nhận.
"Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai"
Còn nhớ năm 2012 khi ông Abe tái cử Thủ tướng Nhật, ông chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để thực hiện chuyến thăm chính thức. Trong suốt thời gian tại nhiệm, ông Abe có 4 lần tới Việt Nam, điều không phải lãnh đạo quốc gia nào cũng làm. Phải chăng đó là những chuyến đi may mắn hay vì lương duyên, thưa ông?
- Đó là điều đặc biệt. Người Nhật Bản hay dùng từ "duyên" khi nói về quan hệ với Việt Nam như: Có duyên, hữu duyên, lương duyên...
Lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đến Việt Nam với niềm vui và tâm thế đi xây dựng mối quan hệ cho hiện tại và cả tương lai. Tôi nghĩ rằng điều đó tạo nên tâm lý vô cùng thuận lợi, tình cảm chân thành, là sự yêu mến rất tự nhiên.
Từng có nghị sĩ Quốc hội của Nhật nói với tôi rằng "sau mỗi lần tôi đến Việt Nam, đi thăm Việt Nam về nước là đều có tin vui, có thể là một việc nào đó rất thuận lợi hoặc là sự thăng tiến". Các bạn Nhật Bản nói rằng Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ "đồng minh tự nhiên" chứ không phải đồng minh chỉ vì lợi ích. Vì vậy, không chỉ các nhà chính trị mà người dân hai nước luôn có niềm tin: "Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai".
Năm 2014, tôi vinh dự được Nhà nước Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc. Trên Huân chương in 3 dấu đỏ, trong đó có dấu của Thủ tướng Shinzo Abe - đó là dấu ấn không bao giờ phai mờ của ông Abe đối với cá nhân tôi. Tôi luôn trân trọng và giữ mãi hình ảnh cao đẹp, lòng biết ơn và những kỷ niệm sâu sắc về cố Thủ tướng Shinzo Abe - con người của thời đại.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Châu Như Quỳnh