1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc

(Dân trí) - Có tên trong danh sách được cử đi nước ngoài học tập, Lê Văn Thể gác lại tất cả để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 2 năm sau, chàng sinh viên Nga văn ấy ngã xuống ở nơi cách quê nhà hàng nghìn cây số, để lại 1 cuốn nhật ký chiêm nghiệm về cuộc đời ngắn ngủi mà vẻ vang của mình.

Đánh giặc xong rồi học tiếp…

Năm 1972, Lê Văn Thể (SN 1950, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành tiếng Nga, khoa Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Lê Văn Thể có tên trong danh sách được cử ra nước ngoài học tập. Thời điểm này, cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 1
Liệt sĩ Lê Văn Thể - ảnh gia đình cung cấp.

Nếu đi nước ngoài, một tương lai tươi đẹp đang rộng mở trước mắt. Nhưng trong khí thế lớp lớp sinh viên xếp bút nghiên ra trận, Lê Văn Thể không phải đấu tranh tâm lý nhiều để đưa ra quyết định của riêng mình.

“Anh đã đi khám nghĩa vụ quân sự sáng nay. Sức khỏe là B1 và có thể vác B40 hay B41. Với anh thì thế nào cũng được thôi, dù là đi hay ở. Nhưng trường đại học không phải là hầm trú ẩn tốt nhất”, anh viết trong bức thư thông báo quyết định của mình cho người em trai.

Lê Văn Thể lên đường ra trận với ý thức về trách nhiệm của một người thanh niên, một công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. Hành trang anh mang theo là những cuốn sách tiếng Nga dày cộp, nỗi nhớ mẹ cha, các em và tình yêu mới chớm nở với một cô gái Hà thành cùng quyết tâm “mình sẽ sẵn sàng đi vào cuộc chiến đấu như đi vào cuộc trường chinh của cuộc đời. Mình tin rằng trong cuộc sống hiện tại mình sẽ trưởng thành lên nhiều hơn nữa. Mình sẽ là một người cán bộ và sẽ là một người chiến sĩ vững vàng”.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 2

Những trang nhật ký chiến trường của chàng sinh viên Nga văn Lê Văn Thể.

Trải qua khóa huấn luyện cấp tốc, mùa Xuân năm 1972, Lê Văn Thể thuộc phiên chế Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu với niềm tin tưởng cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Anh sẽ về, trở lại giảng đường đại học, tiếp tục say mê với những trang sách tiếng Nga…

Trên đường hành quân và những phút nghỉ ngơi sau trận đánh, Lê Văn Thể đều tranh thủ viết thư về thăm nhà. Giữa năm 1974, gia đình nhận được thư của anh Thể thông báo đang chuẩn bị từ Camphuchia về hoạt động ở Cần Thơ.

Người lính 2 năm trận mạc đã dự cảm được những hiểm nguy phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới. “Đường bộ từ đây về đến đó còn dưới 1 tháng nữa. Dọc đường đi cũng sẽ chạm nhiều địch, pháo và sẽ nguy hiểm chứ không bình thường như trước. Chưa ai ở miền Tây này nhận được một bức thư cả. Do vậy từ nay con không có thư về nhà nữa đâu”, bức thư thứ 21 của Lê Văn Thể gửi về nhà.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 3
Bên cạnh những trang nhật kí bằng tiếng Việt là những trang viết bằng tiếng Nga. Liệt sĩ Lê Văn Thể nhập ngũ khi đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành tiếng Nga, khoa Ngoại ngữ, ĐH Tổng hợp Hà Nội và có tên trong danh sách được cử sang nước ngoài học tập.

Từ đó, gia đình không nhận được thư của Lê Văn Thể. Ngày 30/4/1975, nhân dân cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất, cha mẹ khấp khởi chờ anh trở về. Một tháng, hai tháng, rồi một năm trôi qua, vẫn không có thêm bất kỳ tin tức nào của anh. Cuối năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử! Anh hi sinh tại đồn Vĩnh Chèo, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ vào ngày 20/10/1974, sau 5 tháng kể từ khi viết bức thư cuối cùng gửi về nhà.

Cuốn nhật ký chiêm nghiệm cuộc đời

Cùng với giấy báo tử, gia đình nhận được kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Thể từ đơn vị gửi về. Đó là những bức thư nhận được từ gia đình được cất giữ cẩn thận và cuốn nhật ký dày 100 trang. Những trang viết trên đường ra trận hé lộ một phần nào về tâm tư của người lính nơi tiền tuyến vẫn luôn đau đáu về quê nhà, đau đáu về trách nhiệm của bản thân trước thời cuộc, về những chiêm nghiệm rút ra trong chặng đường đời đã qua.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 4
Bên cạnh cuốn nhật ký dày 100 trang là 21 bức thư anh gửi về trên đường hành quân hay phút nghỉ ngơi sau mỗi trận đánh.

Giữa chiến tranh khốc liệt, lòng người lính như lắng lại mỗi khi hành quân qua làng – nơi gợi nhớ về gia đình, về quê hương. Làng mà người lính đi qua dưới con mắt tinh tế và có phần lãng mạn của chàng sinh viên Nga văn đẹp, bình yên đến nao lòng.

Đời lính gắn chặt vào những xóm, những làng bằng 1 tình cảm nào đấy vô hình nhưng bền chặt lắm. Hành quân qua làng bao giờ lòng người lính cũng thấy ấm cúng hơn, thấy có một tình cảm gì đấy khó diễn đạt nổi dấy lên. Tình cảm bắt nguồn từ những lúc ta nhìn lên lũy tre um tùm, từ 1 gốc cây ăn quả, 1 tấm ngõ rợp bóng cây, từ tiếng nói bi bô hoặc ngọng líu của các cháu với những cặp mắt đen láy, tò mò và khâm phục chú bộ đội.

Tình cảm đó có thể là một suy nghĩ mơ hồ về một kỉ niệm nào đó do ánh mắt, cái nhìn và cả 1 bóng dáng thon thả chải tóc bên thềm hay cái nhìn bối rối bất chợt và quay đi”, Lê Văn Thể viết.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 5

Gần 100 tuổi, bà Lương Thị Chắt quyết định tặng toàn bộ kỷ vật của người con trai liệt sĩ cho Bảo tàng Quân Khu 4. Thỉnh thoảng, các con, các cháu lại mang bản sao thư hoặc nhật ký của liệt sĩ Thể ra đọc cho bà vơi nỗi nhớ thương người con trai tài hoa, giỏi giang của mình.

Những làng xóm anh đi qua, những người mẹ, người vợ liệt sĩ gặp trên đường hành quân khiến anh suy nghĩ rất nhiều về sự chịu đựng hi sinh đến vô bờ bến của dân tộc Việt Nam cho cuộc trường chinh của dân tộc. “Bao nhiêu người vẫn bình thản và nín lặng chờ đợi. Mình cảm phục trước sự chịu đựng của những người ở hậu phương biết bao”.

Trong trang viết ngày 2/10/1972 – ngày sinh nhật, người lính Lê Văn Thể viết: “Tuổi tròn 22, tuổi của thế hệ chống Mỹ như bao thế hệ trước. Cùng với tuổi 22 này biết bao nhiêu người đã bước vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản với tất cả nhiệt tình và sức lực của mình… Trong cuộc đấu tranh gian khổ này mình tin là mình sẽ nhận ra được ngay bản thân mình. Mình sẽ sẵn sàng đón đợi tất cả mọi khó khăn trở ngại trên đường mình đi để ngày mai sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống.

Nếu như cuộc sống của tuổi 20 đầy băn khoăn trăn trở thì cuộc sống hôm nay sẽ là tích lũy và thể nghiệm rất nhiều. Hôm nay cuộc đời sẽ khắc nghiệt hơn xưa nhưng mình đã thấy được phần nào “cái tôi” trong “cái ta” của dân tộc”.

Cuốn nhật ký của chàng sinh viên Nga văn ngã xuống ở chặng cuối cuộc chiến vệ quốc - 6
Đại diện gia đình trao kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Thể cho Bảo tàng Quân khu 4 (ảnh Bảo tàng QK4).

Trong những bước hành quân, bóng hình người con gái Hà thành ẩn hiện. Thứ tình cảm giúp anh vượt qua nỗi cô đơn, giúp anh giữ mình và sẵn sàng “phòng thủ từ xa” với một cô gái gặp trong giấc mơ. Nhưng hơn hết là tình cảm dành cho gia đình, lo lắng cho bố mẹ tuổi cao chưa được một ngày nhàn nhã, là dặn dò các em “nghĩ về những cái xa hơn” để phụ giúp bố mẹ trước mắt và lâu dài.

Nhớ các em nhiều. Anh thương từng đứa một. Anh mong ngày được cùng nhau ăn cơm ở nhà”. Ước mơ của người lính chỉ bình dị vậy thôi! Được về nhà, được quây quần bên gia đình quanh mâm cơm đạm bạc mà thấm đẫm tình yêu thương. Thế nhưng, ước nguyện giản dị ấy đã không trở thành hiện thực khi anh ngã xuống trong chặng đường cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vĩ đại…

Tháng 3/2019, cụ Lương Thị Chắt (99 tuổi) – mẹ liệt sĩ Lê Văn Thể quyết định tặng tất cả kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Thể cho Bảo tàng Quân khu 4 để lưu giữ, bảo quản và trưng bày, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

 Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm