Quảng Trị:
“Còn sống được ngày nào, tui sẽ chăm sóc mộ phần liệt sĩ chu đáo”
(Dân trí) - Dù không được giao nhiệm vụ quản trang, nhưng bằng tình thương, trách nhiệm với người đã khuất, hàng chục năm qua, người phụ nữ quá tuổi thất thập vẫn âm thầm quét dọn khuôn viên, chăm sóc từng phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Bà luôn xem công việc đó là niềm vui, lẽ sống để tiếp tục tận hiến.
Bao nhiêu năm qua, người dân xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị luôn chứng kiến hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Bà là Nguyễn Thị Diên (75 tuổi, trú tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy).
Nhà bà Diên cách nghĩa trang gần 2 km nhưng không quản ngày nắng, ngày mưa, bà vẫn đạp xe ra nghĩa trang xã để quét dọn nơi an nghỉ của liệt sĩ.
Trò chuyện về công việc của mình, bà Diên cười vô tư: “Việc chăm sóc nơi an nghỉ của các anh làm tui vui hơn, sống thoải mái hơn. Bây chừ tui cũng cao tuổi rồi, chưa biết sống được bao lâu. Nhưng nếu còn sống được ngày nào, tui sẽ chăm sóc mộ phần liệt sĩ chu đáo”.
Bà Diên không nhớ rõ mình làm công việc này được bao nhiêu năm. Bà Diên nói rằng, hồi mới lập nghĩa trang, bà đã tự nguyện làm việc này. Chính tay bà cũng trồng 3 cây phượng trong khuôn viên nghĩa trang để tạo không gian mát mẻ. Đến nay, những cây phượng do bà trồng đã to quá người ôm.
Hàng chục năm qua, bà Diên vẫn lặng lẽ chăm sóc, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ.
Tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy có hơn 200 phần mộ liệt sĩ, phần mộ nào cũng được bà quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Chính bà Diên cũng tự nguyện nhận riêng 1 phần mộ liệt sĩ để chăm sóc.
Bà Diên bộc bạch, những liệt sĩ an nghỉ ở nghĩa trang có nhiều người từng là đồng đội với bà, cùng sát cánh bên nhau làm nhiệm vụ. Nay bà làm công việc này vừa là trách nhiệm, tình thương và sự tri ân với liệt sĩ.
Bà Diên nói rằng, do cả ngày quét dọn trên nghĩa trang nên đêm đến nhiều lúc bà nằm mơ thấy các liệt sĩ. Bà nhớ đến những người cùng hoạt động với mình trong những năm chiến tranh.
Bà Diên tri ân các liệt sĩ từng sát cánh hoạt động với bà.
Bà Diên kể: “Tui tham gia dân quân du kích năm 1966, hoạt động trong lòng địch với nhiệm vụ làm giao liên, chăm sóc, nuôi dấu bộ đội,... Năm 1967, tui bị địch bắt giam tại Đông Hà, sau chuyển lên Cam Lộ. Cũng trong năm này, tui bị địch bắt thêm lần nữa, nhưng không lấy được thông tin gì nên chúng đành tha về”.
Tấm ảnh chụp lúc bà là nữ du kích xã Cam Thủy.
Bản thân là phụ nữ, bị địch bắt, tra tấn đến kiệt sức nhưng bà Diên không hé nửa lời. Lòng kiên trung, can đảm của bà được tổ chức ghi nhận, để từ đó bà được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn.
Sau khi địch tha về, bà Diên cùng đồng đội tiếp tục hoạt động, dẫu khó khăn nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1969, bà Diên được cử ra Bắc học y tế sau đó trở về hoạt động cho đến ngày quê hương được giải phóng.
Năm 1972, bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Tui được kết nạp Đảng dưới hầm lán, đó là niềm vinh dự, tự hào để tui phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, bà Diên nói. Đến nay, nữ du kích nhỏ năm xưa đã 47 năm tuổi Đảng và đang tiếp tục cống hiến, tri ân những người đã khuất.
Bà Diên tâm sự: “Thấy tui làm công việc này nhiều người cũng có lời ra, lời vào, nhưng tui cũng lờ đi. Các anh đã cống hiến vì quê hương, đất nước và không may hy sinh. Bản thân mình còn sống phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chăm sóc mộ phần người đã khuất. Đó là sự tri ân, làm yên lòng người nằm xuống. Tui nguyện sẽ tiếp tục chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ cho đến hết đời mình”.
Mỗi lần đến nghĩa trang, bà Diên không quên mang theo bó hương, ngày rằm thì thêm cành hoa để cắm trên bia liệt sĩ. Tiền mua nhang bà trích từ khoản tiền dành cho đối tượng có công Nhà nước hỗ trợ bà.
Bên cạnh những việc làm ý nghĩa của bà Diên hàng ngày, ít ai biết được số phận đầy éo le của bà. Sau ngày quê hương giải phóng, bà làm nhân viên y tế tại địa phương. Bà Diên không lấy chồng mà ở vậy cho đến nay. Phận già, sức yếu nhưng bà phải sống đơn độc bởi anh em bà đều ở xa.
Qua tuổi 75, bà Diên vẫn tận tụy làm những công việc tri ân với người đã khuất.
Bà Nguyễn Thị Quê, sống cạnh nghĩa trang bày tỏ: "Tấm lòng của bà Diên thật cảm động. Nhà tôi ở gần nên khi nào cũng thấy bà Diên đi vào nghĩa trang rồi cặm cụi quét dọn. Gia đình tôi có ba và chú cũng yên nghỉ trong nghĩa trang. Việc làm của bà Diên khiến các bác liệt sĩ như được sưởi ấm hơn".
Mảnh đất Quảng Trị là chiến trường khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng vạn chiến sĩ nhiều địa phương trên cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Mỗi người dân Quảng Trị hôm nay đang góp sức xoa dịu nỗi đau chiến tranh, thay mặt cả nước chăm sóc nơi yên nghỉ của liệt sĩ, làm ấm lòng người đã khuất. Và những người như bà Diên thật đáng trân trọng!
Đ. Đức