Cuối năm, lại nhộn nhịp đi… “đốt tiền”
Trong những ngày cuối năm, bên cạnh các vật dụng trang trí nhà cửa thì vàng mã là mặt hàng được tiêu thụ khá mạnh. Với suy nghĩ “trần sao âm vậy” nên nhiều gia đình lo sắm sửa lễ lạt, với mong muốn những người đã khuất có một cái Tết đủ đầy...
Phố Hàng Mã luôn nhộn nhịp, đông đúc vào dịp cuối năm. Ảnh: Phú Khánh
Sắm Tết cho người chết
Những ngày này phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm - con phố chuyên bán đồ âm phủ lúc nào cũng tấp nập bởi mọi người tìm đến đây để mua các loại quần áo, mũ, dép, hương, nến,... làm đồ lễ cuối năm. So với hàng rong, đồ vàng, mã bày bán ở đây có chất liệu và mẫu mã, màu sắc đẹp hơn nên giá cả vì thế cũng đắt hơn. Mặc dù năm nay kinh tế khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn không từ bỏ thói quen sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để “gửi” cho tổ tiên, ông bà.
Theo một số chủ cửa hàng ở phố Hàng Mã, ngoài những mặt hàng truyền thống, thị trường vàng mã năm nay có thêm một số mặt hàng mới và nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách. Những mặt hàng hiếm như ô tô hạng sang Mercedes, BMW hay Lexus, hình nhân thế mạng,… khách có yêu cầu đều phải đặt trước để các chủ cửa hàng đặt tại các làng nghề sản xuất, bởi vậy giá rẻ nhất cũng vài trăm nghìn đồng, đắt thì lên tới cả triệu đồng. Bà Nguyễn Thu Vân - người có thâm niên bán đồ vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, gần 1 tháng nay, khách đến mua và đặt hàng rất nhiều. Mặc dù, vàng mã hạng sang có giá khá cao song nhiều người vẫn rất “chịu chi”. Năm nay, các loại đồ điện tử cao cấp cũng rất đắt hàng, từ iPhone 4GS, iPhone 5 đến các loại điện thoại Galaxy Samsung cũng được khách hàng hỏi nhiều. Ngoài ra, các loại hình nhân thế mạng cũng được yêu cầu đặt với số lượng lớn. Nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh cũng cho người đặt hàng từ sớm để kịp làm lễ cuối năm.
Thậm chí, ngay từ cuối tháng 10 âm lịch, nhiều gia đình đã đặt các mặt hàng vàng mã để làm lễ tạ, lễ cầu tài, lộc để sang năm mới gặp may mắn. Chị Cao Quỳnh Loan, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho hay, Tết năm nào cũng vậy, ngoài việc sắm Tết cho gia đình, chị không quên mua sắm vàng mã để cúng cho ông bà, tổ tiên. “Trần sao âm vậy, các cụ khi còn sống thích thứ gì thì nay tôi mua thứ đó, hy vọng các cụ có được một cái Tết đầy đủ.
Nói mãi vẫn… bỏ ngoài tai
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, tục đốt vàng mã cho người quá cố xuất phát từ Trung Quốc. Trước đây, người ta chỉ đốt vàng mã một cách tượng trưng để bày tỏ tình cảm với người đã khuất nhưng khi xã hội phát triển, ý nghĩa của tục đốt vàng mã đã bị hiểu sai lệch.
Theo phong tục, đầu năm người dân nô nức đến chùa để cầu may. Nhiều người trong số đó mang theo lễ, và tất nhiên không thể thiếu vàng mã. Tuy nhiên, bản thân các vị sư trụ trì tại nhiều chùa trên địa bàn Hà Nội cũng không khuyến khích các phật tử đốt vàng mã. Bà Nguyễn Thuý Hạnh, ở phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ cho rằng, những năm trước, mỗi dịp lễ cuối năm, trên mâm ngũ quả cúng lễ tổ tiên, bao giờ bà cũng mua thêm vài xấp tiền, vàng mã, nén vàng, bạc và có thêm ngựa, voi, hình nhân, ô tô, tiền đô la Mỹ để đốt. Sau này, khi đi lễ tại nhiều chùa, bà Hạnh thường được các sư thầy dạy đốt tiền, vàng mã vừa gây lãng phí, không đúng với giáo lý nhà Phật vừa có nguy cơ gây hỏa hoạn nên năm nay bà đã bỏ thói quen này.
Nhiều người còn cho rằng, người sống nhớ về người đã khuất thể hiện ở tâm, hơn nữa đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy như cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Nghị định 75/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định, việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Song thực tế, vì thiếu những chế tài đủ mạnh nên đến nay, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra như một điều hiển nhiên, đặc biệt là vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới. Sư thầy trụ trì tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên nhận xét, báo hiếu ông bà tổ tiên là làm những điều thiện, giúp đỡ người hoạn nạn. Còn việc sắm vàng, mã, lễ lạt hoành tráng chỉ là hình thức, bởi cách đối nhân, xử thế của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày mới chính là nhân- quả trong giáo lý nhà Phật.
Theo Ngọc Bảo
An ninh Thủ đô