Cuộc sống vẫn tiếp diễn bất chấp HIV
Giới lao động ở thành phố Cà Mau gọi anh Trần Minh Khải là Khải Siđa, và anh cũng không giấu là mình nhiễm HIV. Có lẽ vì sống vô tư và lao động chân tay nhiều nên Khải rất khỏe. Người đàn ông 48 tuổi hằng ngày lái xe lôi này ăn mỗi bữa tới 2 suất cơm.
Tám năm trước, vợ Khải mất vì bệnh AIDS. Hàng xóm sợ hãi đến mức bí mật đốt căn nhà của gia đình anh. Cô đơn và tuyệt vọng, Trần Minh Khải gửi đứa con duy nhất cho mẹ ở quê để đạp xe lôi kiếm tiền.
Sống che giấu một thời gian, năm 2000, anh tham gia nhóm đồng đẳng do Trung tâm Y tế thành phố tổ chức. Nhờ sự can thiệp của ngành y tế, Khải được sử dụng một chiếc xe lôi máy. Hiện mỗi ngày anh kiếm được vài trăm nghìn đồng, đủ để chi tiêu, gửi cho con ăn học và thỉnh thoảng giúp đỡ người phụ nữ đã chia sẻ cùng anh những vui buồn trong cuộc sống.
| |
Công việc hàng ngày |
Bốn năm sau về nhà, anh vẫn chưa được sống bình yên vì phát hiện mình nhiễm HIV. Khi người vợ bỏ đi vì quá sợ hãi, Lộc viết lên bàn câu châm ngôn: "Mỗi khó khăn là một thách thức". Anh thuê một mảnh ruộng với giá 500.000 đồng mỗi năm, tự tay đào ao, mua cá giống, nấu cám cho cá ăn và tự chăm sóc mình. Hiện nay, cuộc sống của anh rất bình yên, sức khỏe rất ổn. Lộc ước tính mỗi vụ cá (khoảng 3 tháng) được lãi khoảng 6 triệu đồng.
Cùng một hoàn cảnh với 2 người đàn ông trên và vẫn đang miệt mài làm việc nuôi gia đình là bà Diệp Thị Xuân Liên, 57 tuổi, sống ở Khánh Hòa. Năm 1998 là thời điểm đen tối nhất đời bà. Khi người chồng qua đời vì AIDS cũng là lúc cơ quan cho bà nghỉ việc vì đã lây HIV. Từ đó, mọi chi tiêu của 4 mẹ con đều trông vào việc làm gối bông gạo.
Một góc cửa hàng nhỏ phố huyện, một thanh tre để đập tách hạt bông, một chiếc máy khâu cũ để may vỏ gối, với đôi tay cần mẫn, bà vẫn chèo chống đến giờ, khi các con đã bắt đầu trưởng
| |
Bà Liên càng làm càng thấy khỏe |
Tất cả những con người ấy đều là nhân vật trong các bức ảnh của Phạm Hoài Thanh, đang được trưng bày tại phòng triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Mỗi tấm ảnh kể về thân phận một con người đang sống chung với HIV và vẫn đang từng ngày lao động để nuôi mình, nuôi gia đình. Để có được những tấm hình đó, Hoài Thanh đã dành gần 3 năm đi đến những vùng miền khác nhau. Bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, anh đã kể lại câu chuyện về cuộc đời những người phụ nữ, những người đàn ông, những con người còn rất trẻ và cả những người đã từ lâu không còn ở tuổi hoa niên. Thanh hiểu rõ tất cả họ đều đã có những tháng ngày đau đớn, tuyệt vọng và vẫn đang không ngừng trăn trở, day dứt về tương lai. Nhưng thay vì tạo ra những bức ảnh gợi lòng trắc ẩn, nhà nhiếp ảnh đã ghi lại những nụ cười rạng rỡ, những giây phút thanh thản bình yên và ấm áp. Thay vì nói về mất mát và đau thương, anh kể về những con người đang làm việc miệt mài, những giọt mồ hôi, về niềm vui giản dị của họ khi gặt hái thành quả lao động của mình.
"Hầu hết những người biết mình nhiễm HIV đều bị mất việc hoặc không làm gì do sự kỳ thị của người đời. Chính vì vậy nên tôi muốn chứng minh rằng rất nhiều người nhiễm HIV khác vẫn đang khỏe mạnh, vẫn làm việc như những người bình thường. Chính vì vậy mà tôi đã chụp họ, vừa để thay đổi cách nhìn về người có HIV, vừa để khuyến khích những người cùng cảnh với họ vượt qua nỗi mặc cảm của mình" - Phạm Hoài Thanh nói. Đã có khoảng 15.000 bức ảnh ra đời từ những chuyến đi của anh.
Không chỉ nhiếp ảnh gia mà ngay cả các nhân vật của anh cũng muốn gửi đến cộng đồng thông điệp của mình khi đồng ý đứng trước ống kính. Họ muốn nói rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn, bất chấp sự hiện hữu của HIV. Lao động giúp họ nhận ra giá trị của mình, và tình yêu với những người xung quanh giúp họ thấy rằng cuộc sống là vô giá. Nguyễn Xuân Cường (34 tuổi, Thái Nguyên), một trong những nhân vật trong ảnh của Hoài Thanh, cho biết, anh rất cảm kích khi bạn bè vẫn tới rủ đi uống cà phê, đi nhậu, và người thân không xa lánh dẫu biết Cường mắc bệnh. Người đàn ông có nụ cười tươi rói này từng nghiện ngập nặng. Sau khi đi cai về, khó khăn lắm anh mới vay được 2 triệu đồng làm vốn để mua gạo nấu rượu và mua lợn giống. Hiện nay, anh đã tự trang trải được mọi chi tiêu cho mình, lại còn mua được 1 chiếc xe máy Wave Alpha, chiếc TV to đùng và đầu kỹ thuật số.
Trong số những người nhiễm loại virus gây suy giảm miễn dịch, có một người muốn làm giảm sự kỳ thị với những người nhiễm HIV không chỉ bằng sự xuất hiện công khai của mình mà cả bằng những bức tranh anh vẽ. Đó là họa sĩ Nguyễn Trọng Kiên. Sau 10 năm âm thầm sống tách biệt với thế giới để vật vã với nỗi đau riêng, 3 năm qua Kiên như sống lại. Anh vẽ rất nhiều và liên tục triển lãm, bán tranh được chút tiền lại tiếp tục vẽ để đạt mục tiêu tự đề ra: hoàn thành 1.000 bức tranh. Ngoài giờ vẽ, Kiên lại lên Ba Vì dạy các cháu nhỏ có HIV vẽ tranh và đệm đàn cho các cháu hát.
Còn nhiều nhiều nữa những con người kém may mắn nhưng đã không chỉ biết tự cứu mình mà còn giúp được gia đình và người cùng cảnh. Vượt lên mọi kỳ thị, họ đang dùng chính câu chuyện về cuộc đời mình như một minh chứng sống động rằng những người nhiễm HIV vẫn có thể sống mạnh mẽ và đầy ý nghĩa.
Hải Hà
Ảnh: Hoài Thanh
VnExpress