1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Sau 7 năm được minh oan, cụ ông Trần Văn Thêm đã trút bỏ được gánh nặng khi gia đình người em họ Trần Khắc Văn cúi đầu chào, hỏi mỗi khi chạm mặt thay cho những lời mỉa mai, trách móc trước đây.

Ông lão dáng người thấp nhỏ, tóc bạc trắng, mặc chiếc áo rét rộng thùng thình, tay trái chống gậy, tay phải cầm cây chổi rơm khom lưng quét gọn đống lá bưởi đang phơi trên khoảng sân trước nhà, thi thoảng ông lão lại dừng quét để đứng thẳng lưng cho đỡ mỏi. Ông lão đó là Trần Văn Thêm (87 tuổi, trú thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) - người từng phải mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm.

Ở cái tuổi 87, dù sức khỏe yếu, mắt mờ, trí nhớ đã giảm nhưng khi nhắc đến chuyện tù oan, cụ Thêm hầu như không quên chi tiết nào, cũng như hành trình viết đơn kêu oan và niềm vui khi cụ được chính quyền tổ chức buổi công khai xin lỗi.

Sức khỏe suy giảm, đi phải chống gậy

Chống cây gậy ba tong đã sờn, ông cụ chậm rãi đưa vào vào nhà. Cụ Thêm bảo, ngôi nhà cấp 4 đã xây dựng cách đây 30 năm, bậc thềm cao khiến việc đi lại hàng ngày của cụ gặp nhiều khó khăn. Ngồi bên cạnh ông nội, anh Trần Tuệ Lâm (37 tuổi) nhanh nhẹn pha ấm trà mạn rồi rót trà mời khách.

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm - 1

Cụ Thêm chống gậy quét lá bưởi khô đang phơi giữa sân.

Anh Lâm kể, mấy năm nay ông nội anh sức khỏe suy giảm, một chân đau nên đi lại phải chống gậy, răng hàm trên đã rụng gần hết, hơn 2 năm qua chỉ ăn được cháo và mì gạo.

"Con cháu làm hàng răng giả để ông ăn uống thuận tiện nhưng được mấy hôm thấy khó chịu ông lại gỡ ra cất vào tủ rồi cũng chẳng dùng đến. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn minh mẫn, những việc tắm rửa, vệ sinh hàng ngày ông đều tự làm không phải nhờ đến con cháu ", anh Lâm nói và mong muốn chân của ông nhanh khỏi để có thể sớm đi lại bình thường.

Khi cháu nội vừa dứt lời, cụ Thêm tỏ vẻ mừng rỡ khoe mới có thêm chắt nội cách đây hơn 1 tháng, cụ nhẩm tính đến nay đã có hơn 30 người cháu, chắt. 

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm - 2

Chân phải của cụ Thêm bị đau cách đây gần 8 tháng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mấy tháng qua ông cụ phải nhờ sự trợ giúp của cây gậy ba tong để di chuyển.

"Ngày Tết con, cháu, chắt đến chật nhà còn ngày thường cứ cách vài hôm lại có đứa mang bánh, hoa quả đến cho. Nếu tính về vai vế, giờ tôi là người chức cao nhất trong họ, có mấy người tuổi cao hơn nhưng lại xếp hàng dưới bậc em, cháu", cụ Thêm móm mém kể.

Niềm vui những ngày cuối đời

Cụ Thêm bộc bạch, niềm vui lớn nhất của cụ mấy năm qua không phải vì đầu óc vẫn còn minh mẫn, con cháu hòa thuận mà chính là việc đã làm "lành" với gia đình ông Nguyễn Khắc Văn (em họ cụ Thêm đã bị giết trong vụ cướp năm 1970 và sau đó cụ Thêm mang án tử hình về tội "Giết người em"). 

Ngày cụ Thêm bị cáo buộc sát hại ông Văn cách đây 53 năm, 2 gia đình từ mặt nhau mặc dù có quan hệ họ hàng gần gũi và trước đó sống rất đoàn kết, tình cảm.

Đến ngày cụ Thêm ra tù và được chính quyền công khai xin lỗi vào ngày 11/8/2016 thì con, cháu ông Văn khi đó vẫn có cái nhìn "ác cảm" về người mang án oan.

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm - 3

Gần nửa đời người mang thân phận tử tù, đi kêu oan tìm lại sự công bằng, cụ Thêm nói chưa một lần gục ngã, dù có đau khổ, vất vả tới đâu cũng luôn hướng về phía trước.

"Mặc dù có công to, việc lớn gì 2 nhà vẫn chưa đến với nhau nhưng giờ con, cháu chú Văn nhìn thấy tôi là chào. Thấy chúng nó chào, tôi cũng trút bỏ được gánh nặng, giờ cũng chẳng còn mong muốn gì hơn nữa, đêm ngủ được ngon giấc rồi", cụ Thêm tâm sự.

Nhắc tới số tiền được bồi thường hơn 6,7 tỷ đồng vào đầu tháng 7/2019, cụ kể, trừ các chi phí và trả ơn cho những người đã giúp đỡ, số tiền còn lại cụ cho hết các con để trang trải cuộc sống mà không giữ lại cho mình đồng nào.

"Ngày ông mới nhận tiền bồi thường oan sai, gia đình cũng có chút xáo trộn nhưng sau đấy mọi người hiểu ra vấn đề nên ai cũng vui vẻ, cả nhà đoàn kết. Bởi có được số tiền này không phải do mình ông tôi mà là công sức của rất nhiều người, họ đã giúp mình rồi, mình cũng phải trả ơn", anh Tuệ Lâm đỡ lời ông nội.

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm - 4

Từ nạn nhân của một vụ án mạng cụ Trần Văn Thêm lại bị cáo buộc tội giết người, hai lần nhận án tử hình.

Nhớ lại nỗi oan cách đây 53 năm, chỉ tay vào vết sẹo dài trên đầu cụ Thêm kể, ngày đấy gia đình cụ rất nghèo lại đông con nên phải đạp xe thồ hàng đi buôn bán khắp các tỉnh, có những chuyến đi kéo dài cả tháng mới về. Để có người giúp đỡ những lúc khó khăn, đau yếu cụ rủ người em họ Nguyễn Khắc Văn đi cùng.

Vào đêm 23/6/1970, 2 ông xin ngủ nhờ nhà người quen không được nên đánh liều ra lều cắt tóc ở cạnh Cầu Diện (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) ngủ tạm. Đến gần nửa đêm, 2 người bất ngờ bị cướp tấn công, ông Văn tử vong, cụ Thêm trọng thương vào đầu.

Cuộc sống hiện tại của cụ ông từng mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm - 5

Ngày trong tù, cụ Thêm xin được mẩu giấy nhưng lại không có bút nên đã cắn đầu ngón tay để lấy máu viết thư kêu oan gửi về gia đình với hi vọng các con gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền kêu oan cho ông.

Từ nạn nhân, cụ Thêm bị cáo buộc thành thủ phạm khi cơ quan điều tra cáo buộc đã dàn dựng vụ cướp và giết em họ.

Khi đưa vụ án ra xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) nhận định cụ Thêm tự ngụy tạo vết thương trên đầu để che giấu hành vi. Trong các phiên xét xử sau này, cụ liên tục kêu oan nhưng đều bị tuyên án tử hình về tội "Giết người", "Cướp tài sản".

Đầu năm 1976,  khi hung thủ vụ án ra đầu thú, cụ được trả tự do nhưng không được minh oan nên ngày trở về quê, nhiều người nhìn bằng ánh mắt kỳ thị, xa lánh và nghi ngờ cụ có khuất tất trong việc thoát án tử và ra tù.

Trước những búa rìu của dư luận, cụ tìm đủ cách để minh oan và phải xuống Hà Nội làm bảo vệ. Và phải tới 40 năm sau, cụ mới được minh oan và chính quyền tổ chức công khai xin lỗi tại hội trường Trung tâm huyện Yên Phong, thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Theo hồ sơ, đêm 23/6/1970, ông Trần Văn Thêm cùng em họ là ông Trần Khắc Văn đi mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú cũ) thì trời tối nên vào lều cắt tóc ven sông để ngủ. Nửa đêm, ông Thêm dậy hút thuốc thì bất ngờ bị đánh vào đầu nên vội hô "cướp". Cùng lúc, tên cướp cũng đã kịp đập vào đầu ông Văn.

Nghe tiếng kêu cứu, người dân đưa anh em ông Thêm vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông Văn đã chết.

Cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người, tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm tiếp tục y án sơ thẩm.

Đầu năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống.  Thời điểm này, ông đã bị giam 5 năm, 6 tháng, 7 ngày.

Ra ngoài, ông đi kêu oan nhiều năm, gửi đơn đến các cấp nhưng các cơ quan trả lời là không có đủ căn cứ xác định oan sai do không tìm thấy giấy tờ.

Ngày 8/8/2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Đến ngày 11/8/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi ông Thêm.