Cuộc sống bi hài trong những hộp ngủ bằng nửa chỗ đậu ô tô ở TPHCM
(Dân trí) - "Vừa nhận giường, một khách nam bước từ nhà tắm vào phòng không mảnh vải che thân. Người đó thấy tôi cũng hốt hoảng quấn khăn", vị khách từng sống trong hộp ngủ kể.
Đến TPHCM chơi năm 2014, để tiết kiệm chi phí, anh Lê Thi (SN 1994, người Hà Nội) đặt phòng ở khách sạn "con nhộng" - khi đó đang hot - có giá phải chăng ở phố Tây đắt đỏ. Sau một ngày đêm, Thi đã chuyển ra khách sạn khác.
"Toàn người lạ ở chung phòng. Có vẻ khoang ngủ riêng tư nhưng ngoài thời gian ngủ nghỉ trong đó, mình vẫn chạm mặt nhiều người lạ. Họ thậm chí bước từ nhà tắm chung vào phòng không mảnh vải che thân", Thi kể lại cảm giác đỏ mặt khi đó.
Chục năm có mặt tại TPHCM, hộp ngủ đã giải quyết nhu cầu ngủ nghỉ tiết kiệm cho người đi du lịch hoặc ở một mình. Tuy nhiên, chỉ khi sống thử trong nó, người lưu trú mới phát hiện nhiều bất cập, hàng loạt vấn đề "khó đỡ" đã phát sinh.
Hốt hoảng khi trải nghiệm hộp ngủ đầu tiên ở TPHCM
Tháng 10/2013, Hong Kong Kaiteki Hotel - tọa lạc trên "phố Tây" Bùi Viện, quận 1, TPHCM - là mô hình khách sạn "con nhộng" (capsule hotel) xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Khách sạn thu hút nhiều người tìm kiếm và đặt chỗ, cả du khách lẫn người dân thành phố tò mò.
Công trình nhà 7 tầng rộng khoảng 60m2 có sức chứa lên đến 100 khách lưu trú (trừ đi tầng trệt được sử dụng làm sảnh lễ tân). Trong đó, 3 tầng có 60 khoang ngủ làm bằng nhựa đúc, được xếp chồng lên nhau. Mỗi khoang rộng vỏn vẹn 2,5m2, đủ cho một người nằm, đều có rèm che kín.
Bên trong hộp ngủ của khách sạn Hong Kong Kaiteki Bùi Viện, nay đã ngừng kinh doanh. Mô hình này được cho là mở đầu tiên vào năm 1979 tại Nhật Bản, phục vụ những người lao động cần một nơi để nghỉ ngơi sau khi làm việc muộn (Ảnh: Hong Kong Kaiteki).
Có một chiếc ti vi nhỏ, có đèn đọc sách, ổ điện, lỗ điều hòa không khí, hộc đựng hành lý nhỏ... bên trong khoang ngủ. Anh Lê Thi đánh giá: Về tính chất thì giống ký túc xá nhưng đảm bảo sự riêng tư và chất lượng vượt trội hơn nhiều, so với các giường tầng. Song cũng có nhiều vấn đề "khó đỡ".
"Vừa nhận giường, một khách nam bước từ nhà tắm vào phòng không mảnh vải che thân. Người đó thấy tôi cũng hốt hoảng quấn khăn, nói rằng lúc đi tắm thấy các buồng ngủ đều đóng kín, tưởng không có ai nên thoải mái một chút", Thi nhớ lại lúc đó anh đã chạy ngay khỏi phòng vì quá ngại.
"Tôi đánh răng, rửa mặt cùng người lạ trong nhà tắm chung, nhộn nhịp như các khu tập thể ở Hà Nội ngày trước", Thi nhận xét. Tuy vậy, không gian mở kiểu này thường xảy ra sự chung đụng. Các khách lưu trú phải thừa nhận sự hiện diện của nhiều người.
Theo nam du khách người Hà Nội, cũng như cuộc sống tập thể, những khách thuê ở đây đôi khi phải chờ nhau sử dụng nhà vệ sinh. Anh cho rằng nơi này chỉ thích hợp để lưu trú ngắn ngày dạng khách sạn, còn nếu để sống dài ngày thì không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt theo giờ giấc đi làm của đa số nơi làm việc của thành phố.
"Tôi không thể kéo dài việc hít thở trong một cái hộp ngột ngạt và nghỉ ngơi một cách không mấy dễ chịu với hàng đống âm thanh, cảnh tượng kỳ cục lâu dài được", nam du khách trải nghiệm hộp ngủ đầu tiên ở TPHCM chia sẻ.
Ngủ không yên bởi âm thanh "nhạy cảm"
Năm 2016 khi mới vào làm việc tại TPHCM, một cô gái đến từ Hà Nội cũng thuê hộp ngủ ở quận 1. Mọi chuyển động của người này đều phải cân nhắc, nếu không có thể va đập vào thứ gì, gây ra âm thanh sẽ cảm thấy ái ngại. Vì không gian quá nhỏ nên các tiếng động phát ra là điều không thể tránh khỏi.
Phòng tắm chung ở đó ngăn cách với các phòng ngủ bởi một cánh cửa lùa (phần lớn hệ cửa trong nhà đều được thiết kế cửa lùa kéo ngang để tận dụng diện tích thay vì cửa cánh mở). Nhưng nó lại phát ra tiếng kêu loạch xoạch rất lớn mỗi khi đóng mở.
Tiếng bàn chải đánh răng vang ra có thể khiến cả khu trọ tỉnh giấc. Thậm chí, việc giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân cũng phải rón rén. Bằng chứng là từ trong hộp ngủ có cửa gỗ đóng kín, khách có thể nghe tiếng nước chảy, tiếng mở tủ khóa, tiếng mở cửa phòng tắm.
Buổi tối, khách lưu trú có thể nghe tiếng người từ hộp ngủ sát bên trở mình. Thấy sự bất tiện đó nên khi gia đình gọi điện thoại, cô gái người Hà Nội phải tắt máy rồi ra khỏi căn nhà thuê, đứng ngoài trời nói chuyện cho thoải mái.
Một buổi tối mất điện, tất cả đều mở hết cửa gỗ của hộp ngủ, thông thống cả đêm. Cô gái ngủ trong bất an vì lo bị ai đó trộm đồ.
Còn buổi sáng sớm, tiếng chuông báo thức từ một hộp ngủ nào đó vang lên, cả phòng đều nghe. Có một lần, âm thanh của tiếng còi báo cháy kêu to, khiến cô gái người Hà Nội giật mình đứng thẳng dậy, đầu đập vào trần khoang ngủ.
Ở đây, chủ không ở cùng, người thuê tự do ra vào, sinh hoạt bằng hệ thống khóa mã số tự động.
"Hồi trước có đôi bạn thân ngồi thủ thỉ nói chuyện cả đêm, mình nhắc khéo. Nhưng cũng có người rủ bạn khác giới vào phát ra những âm thanh không thể chấp nhận được, nhất là khách Tây họ sống thoáng. Tôi gọi báo ngay cho chủ theo dõi qua camera để xử lý, sau này thì không còn", cô gái từng thuê hộp ngủ kể lại.
Hộp ngủ dễ cháy thế nào?
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết, loại hình hộp ngủ - đang nở rộ ở TPHCM và nhiều tỉnh thành - tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao.
Theo ông Xiêm, nhiều người vì lợi nhuận đã sử dụng công trình nhà ở riêng lẻ hoặc thuê nhà có diện tích tương đối nhỏ rồi lắp vách ngăn tạo thành hàng chục khoang ngủ xếp chồng lên nhau, phục vụ cho thuê lưu trú.
Người kinh doanh thường tận dụng tối đa diện tích phòng để bố trí các hộp ngủ xếp chồng lên nhau, chỉ còn lối đi cũng là lối thoát nạn hẹp chưa đầy 1m. Nếu hỏa hoạn xảy ra, hàng chục người sống bên trong tháo chạy qua một lối đi hẹp như vậy thì rất rủi ro.
Người thuê trong quá trình sinh hoạt sẽ dùng nhiều chất liệu dễ cháy như nệm, quần áo, thiết bị điện tử. Nếu là học sinh sẽ có lượng lớn sách vở, tài liệu giấy.
Một người sống trong hộp ngủ chưa đầy 3m2 mang theo vài kilogram chất dễ cháy. Hàng chục người sinh sống sẽ mang theo hàng trăm kilogram chất dễ cháy. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả sẽ không lường được.
Đặc biệt, những hộp ngủ này sẽ đấu nối thêm nhiều ổ cắm điện phục vụ nhu cầu sạc thiết bị điện tử của người thuê. Quá trình sử dụng nếu vô tình bị chập điện hoặc phát nổ, đặc biệt vào ban đêm thì rất nguy hiểm.
Ngoài ra, trong môi trường chật hẹp, nếu có người vô ý thức hút thuốc, dùng bật lửa thì càng tăng nguy cơ hỏa hoạn.
"Dù nơi kinh doanh hộp ngủ có quy định không sử dụng thuốc lá, nhưng không ai có thể đảm bảo những người này chấp hành nghiêm trong một thời gian dài", PGS.TS Ngô Văn Xiêm nói.
Từ những phân tích như trên, theo nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, loại hình cho thuê hộp ngủ này cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, một cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TPHCM (PC07) cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú sleep box 99% là nhà ở riêng lẻ, sau đó ngăn ra cho thuê.
Căn nhà ban đầu được xây dựng, thiết kế hệ thống điện riêng cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Sau đó, căn nhà hoán đổi công năng cho nhiều người khác đến thuê dẫn đến hệ thống điện quá tải. Khu vực tầng hầm hoặc tầng trệt cũng tập trung nhiều xe máy của người thuê.
Những căn nhà này đa phần không được thiết kế cửa ngăn giữa khu vực để xe lên các tầng lầu, nếu có cửa cũng không đảm bảo vật liệu chống cháy, khó cháy. Lượng xe nhiều, nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì lượng khói độc tỏa ra rất nguy hiểm cho người sống trong khoang ngủ ở phía trên.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Theo vị chuyên gia, cơ quan chức năng sở tại cho phép loại hình này hoạt động thì cũng phải có trách nhiệm quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ cơ sở tập huấn khách thuê phòng cháy chữa cháy, ký cam kết chấp hành nội quy phòng chống cháy nổ.
Theo một cán bộ PC07, căn nhà cho thuê lưu trú tất yếu phải đáp ứng được việc cô lập khu vực để xe với các tầng. Nếu cơ sở có 20 người thuê trở lên hoặc cao hơn 5 tầng bắt buộc phải có 2 lối thoát nạn.
Hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở này phải đạt chuẩn. Đồng thời, người thuê phải có ý thức việc chấp hành phòng cháy chữa cháy như không sạc thiết bị điện tử qua đêm, cẩn thận sử dụng nguồn nhiệt khi nấu ăn…
"Trên địa bàn chúng tôi quản lý, nếu phát hiện điểm cho thuê lưu trú theo dạng sleep box, đơn vị sẽ yêu cầu chủ cơ sở tháo dỡ toàn bộ vật liệu ngăn dễ cháy, thay thế bằng vật liệu không cháy, khó cháy. Đồng thời, đảm bảo số lượng, mật độ 5m2/người ở…", vị này chia sẻ.
Trước đó, ngày 13/10, tại buổi báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 99 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đã nêu ra một số bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo Đại tướng Tô Lâm, một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý với hoạt động xây dựng. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Các loại hình này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn cháy, nổ rất cao.
Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
Công an TPHCM cho biết: TPHCM hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đọc thêm: Cúi đầu, khom lưng sống trong những hộp ngủ giữa trung tâm TPHCM