Cuộc sống bà con dân tộc Ra Glai giữa rừng Mỹ Thạnh
(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, lãnh đạo xã Mỹ Thạnh vận động các đơn vị doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi.
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết hơn 40km về phía Tây, xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) nằm lọt thỏm dưới những ngọn núi xanh của rừng Mỹ Thạnh. Từ nút giao Ba Bàu - Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, men theo con đường nhỏ đang sửa chữa, chúng tôi xuyên rừng ghé thăm ngôi làng Mỹ Thạnh yên bình, nhẹ nhàng (Ảnh: Nam Anh).
Mỹ Thạnh là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) còn nhiều khó khăn, phần lớn người Rai, Chăm sinh sống. Tuyến giao thông từ trung tâm huyện Hàm Thuận Nam vào xã Mỹ Thạnh được trải nhựa (Ảnh: Hoàng Bình).
Nhiều năm nay, dù số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nhưng nay đời sống bà con được cải thiện. Nhiều vườn thanh long trĩu quả, những ruộng lúa trúng mùa giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, con em được đến trường đầy đủ (Ảnh: Hoàng Bình).
Cũng giống như nhiều xã của huyện Hàm Thuận Nam, bà con xã Mỹ Thạnh cũng bắt đầu trồng cây thanh long. Dù giá cả thanh long hay nông sản lên xuống theo mùa nhưng phần nào giúp bà con cải thiện kinh tế, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng trọt.
Ngoài trồng cây thanh long, bà con Mỹ Thạnh còn trồng khoai mì, bắp, trồng lúa, chăn nuôi bò, gia súc để cải thiện kinh tế. Nhiều năm nay, tỷ lệ nghèo của xã Mỹ Thạnh đã giảm, hạ tầng giao thông được nhà nước đầu tư, xây mới.
Nỗ lực trên của chính quyền địa phương và người dân đã góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Ảnh: Nam Anh).
Nhiều gia đình đã chuyển sang các thiết bị nấu ăn bằng điện, giảm thói quen nấu nướng bằng củi như trước đây. Trong ảnh, hai anh em người đồng bào dân tộc Ra Glai (người Rai) phụ bố mẹ vò gạo nấu cơm (Ảnh: Nam Anh).
Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết hiện toàn xã có 259 hộ với 886 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Ra Glai (người Rai) chiếm đa số với 233 hộ/789 nhân khẩu, số còn lại là người Kinh, Chăm, Tày. Trên địa bàn xã có trường mầm non, tiểu học, tỷ lệ học sinh đến trường cao (Ảnh: Nam Anh).
Theo bà Kha, nhiều năm qua địa phương xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo của Trung ương, của tỉnh. Song song đó, là vận động các đơn vị doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi (Ảnh: Nam Anh).
Ngoài công việc chăn nuôi, làm rẫy, nhiều bà con đồng bào dân tộc Ra Glai (người Rai) trồng lúa để vừa chủ động lương thực vừa tăng thêm thu nhập. Diện tích trồng lúa trên địa bàn xã Mỹ Thạnh tăng lên nhiều trong vài năm trở lại đây (Ảnh: Nam Anh).
Chăn nuôi các loại vật nuôi có sừng như dê, cừu, bò... là nguồn kinh tế chủ lực của nhiều hộ dân không có đất trồng lúa và thanh long. Việc sống dưới chân núi giúp mô hình chăn nuôi của bà con thuận lợi (Ảnh: Hoàng Bình).
Khó khăn của xã Mỹ Thạnh còn nhiều do đa số bà con nơi đây đều làm nông nghiệp thu nhập thấp, hàng năm thương lái thu mua các loại nông sản giá cả bấp bênh. Trong khi đó, đa số người dân nơi đây trình độ thấp nên kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian (Ảnh: Nam Anh).
Các loại cây trồng chủ yếu là bắp lai, cây mì, cây thanh long, điều, lúa và chăn nuôi bò, trâu… năng suất, hiệu quả mang lại chưa cao. Tuy nhiên so với trước đây, cuộc sống của người dân xã Mỹ Thạnh tốt lên nhiều (Ảnh: Nam Anh).