1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

Cuộc sống "8 không" đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân!

(Dân trí) - Gần 20 năm bám trụ ở Đắk Nông, hàng ngàn người dân đang sinh sống tại 4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 thuộc thôn 7, xã Đắk R’măng (huyện Đắk G’Long) luôn bị bủa vây bởi nghèo đói, bệnh tật, thất học; cuộc sống bế tắc với "8 không": không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không hộ khẩu và không khai sinh.

Những ngôi làng không tên

Cơn mưa đêm vừa dứt cũng là lúc tiếng chuông đồng hồ báo hiệu 5h sáng. Đắk Nông đang vào giữa mùa mưa, có những lần mưa không chịu dứt, kéo dài từ ngày này qua ngày khác.

Cuộc sống của những người dân di cư tự do

Đêm qua, cơn mưa khá lớn và dai dẳng khiến con đường dẫn từ trung tâm huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) vào tới khu dân cư thôn 7, xã Đắk R’măng mờ mịt sương mù. Đi được một đoạn chúng tôi lại phải dừng lại vì lớp sương dày đặc, không thể nhìn thấy đường trong khi một bên là vực thẳm. 

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 1

Cách dễ dàng nhất để di chuyển vào các cụm dân cư là bằng xe máy cày

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển, chúng tôi mới đặt chân đến đầu con đường đất dẫn vào 4 cụm dân cư trên. Con đường được người dân tự mở, chạy theo các quả đồi để dẫn vào cụm dân cư nằm sâu hun hút bên trong cánh rừng.

Tiếng xe máy, tiếng máy cày mắc lầy nổ bành bạch, bất ngờ vang lên xóa tan cái âm u, lạnh lẽo của nơi thâm sơn cùng cốc. Người dẫn đoàn- ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long, trấn an chúng tôi bằng một câu nửa đùa, nửa thật: “Mọi người cứ ngồi nghỉ, nghe tiếng xe máy như vậy có lẽ phải 30 phút nữa mới ra tới nơi”.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 2
Biết thầy giáo cũ vào thăm, 4 người đàn ông xung phong đánh xe máy ra đón

Ông Phương cho biết, nghe tin hôm nay có thầy giáo cũ vào tìm hiểu cuộc sống người dân, 4 thanh niên trong cụm dân cư đã xung phong “đánh” xe ra đón mọi người. Ông Phương vốn là giáo viên của một trường học trên địa bàn huyện, nên nhiều người đang sinh sống trong cụm dân cư trên là học trò của ông.

“Bản này tên là gì vậy anh?”, tiếng một người hỏi ông Phương. Vị trưởng phòng tỏ vẻ ái ngại và bối rối đáp lại: “20 năm nay, những ngôi làng ở đây vẫn chưa có tên, chúng tôi gọi tạm bằng các con số. Mỗi một bản là một cụm dân cư. Ở đây là cụm số 8, 9, 10, 12 nhưng không có cụm số 11. Tất cả đều nằm trong địa giới của xã Đắk R’Măng”.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 3
Những căn nhà mọc ngay dưới chân núi, ở 4 cụm dân cư không tên

Giải thích thêm về điều này, ông Phương cho biết, tất cả người dân ở đây là đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc. Ban đầu họ được đưa lên huyện Đắk Nông (cũ) theo diện di dân của tỉnh Đắk Lắk. Sau một thời gian sinh sống ở thôn Đắk Nang, xã Đắk Som, do không có đất sản xuất nên họ rủ nhau vào sâu hơn.

“Những nơi họ ở trước đây là rừng của Lâm trường Đắk R’Măng. Khi cây rừng bị phá hết, họ đưa nhau đến dựng nhà ở lén lút. Về sau họ ở công khai, đưa nhau vào đông hơn, dần dần hình thành các cụm dân cư. Mỗi cụm có mấy chục nóc nhà nhưng dân lên đến cả ngàn người. Người dân địa phương cũng như chính quyền gọi những khu vực này là cụm dân cư”, ông Phương giải thích thêm.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 4

Mỗi cụm có mấy chục nóc nhà, nhưng dân lên đến cả ngàn người

Theo vị nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk G’Long, toàn bộ 4 cụm trên có khoảng 260 hộ với hơn gần 1.700 nhân khẩu. Phần lớn là những người chưa được thừa nhận vì họ đang sinh sống trên đất lâm nghiệp, không có một giấy tờ nào chứng minh sự tồn tại của họ trên mảnh đất này.

Cuộc sống của những… “người rừng”

Đúng như lời ông Phương, phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, bốn chiếc xe máy được “mặc áo giáp” mới từ từ xuất hiện. Anh thanh niên tên Giàng Seo Sình (SN 1993, trưởng cụm 9) vội vàng giải thích với đoàn bằng mấy câu tiếng Việt lơ lớ: “Đêm qua mưa to quá, có một đoạn đường lầy lội, xe máy mắc lầy ở đấy luôn. Chúng em phải khiêng từng cái một qua nên mới lâu vậy. Vì không đủ xe máy nên phải kêu thêm một chiếc máy cày để đưa mọi người vào trong cụm”.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 5
Chiếc xe máy bị hỏng vì đất bám chặt quanh bánh xe

Chúng tôi lần lượt ngồi lên bốn chiếc xe máy độ chế và chiếc máy cày người dân thường dùng để chở hàng hóa, phân bón đi sâu vào cánh rừng, nơi hàng trăm hộ dân đang sinh sống. Tiếng máy “tăng bo” vang động cả núi rừng, thi thoảng lại tắt ngỏm khi đang ở lưng chừng dốc. Nếu không trang bị cho mình đôi ủng, có lẽ nhiều người đã phải “chết đứng” trước những con dốc cao chót vót rồi lại xuống sâu thăm thẳm, chỉ độc một thứ đất màu mỡ gà, nhão nhoét và trơn trượt.

45 phút trôi qua, vẫn chưa thấy một căn nhà nào xuất hiện. Xung quanh chỉ toàn cây rừng xen lẫn những đám rẫy của người dân. Thi thoảng, trên con đường độc đạo ấy mới xuất hiện một người dân đang vùng vẫy để thoát ra khỏi vũng lầy, đặc trưng của mùa mưa Tây Nguyên, đặc trưng của những con đường đất dẫn vào bản làng của người Mông.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 6
Người dân chủ yếu đi bộ vì đường quá lầy lội

Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới có mặt tại cụm dân cư đầu tiên- cụm số 8. Ngày mưa, cả người lớn và trẻ nhỏ đều ở nhà, ngồi la liệt trước của, đưa ánh mắt lạ lẫm nhìn đoàn người đi qua.

Thào Seo Sùng (trú cụm 8) bế đứa con đi bộ dưới cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Anh Sùng là một trong những người Mông đầu tiên trên chuyến xe di cư từ Bắc Hà (Lào Cai) vào Tây Nguyên, cũng là một trong những người đầu tiên vào cụm số 8 này sinh sống. 20 năm có lẻ, người đàn ông 43 tuổi này chứng kiến từng sự thay đổi nơi anh sống: người đông hơn, nhà nhiều hơn, đất rộng hơn… thế nhưng vẫn chưa có đường, chưa có điện, chưa có sóng điện thoại…

“Mấy nay mưa suốt, không thấy mặt trời đâu nên trong nhà tối om. Đứa con mình khóc quá, phải bế nó đi chơi”, anh Sùng nói vội rồi bế con rời đi.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 7
Vợ anh Páo nhóm lửa để nấu bánh ngô cho cả gia đình ăn một tuần

Đi sâu hơn 1km nữa, nơi có những căn nhà của cụm dân cư số 9 nằm san sát nhau. Dưới cơn mưa, khói không thể thoát nổi, cứ quanh quẩn căn bếp của vợ chồng Lầu A Páo (43 tuổi). Vợ Páo khom người, thổi mạnh để mấy thanh củi ẩm cháy to hơn. Trên bếp là nồi bánh ngô mà vợ Páo làm, đảm bảo cho gia đình ăn mấy ngày mưa.

“Mùa này không ra ngoài xã mua đồ ăn được, nhà có gì thì mang ra nấu ăn thôi. Cứ bánh ngô rồi lại mèn mén. Cuộc sống tự cung, tự cấp suốt 6 tháng mưa dầm”, anh Páo nói và cho biết, gia đình đã sống gần 20 mùa mưa ở đất này.

Cạnh nhà Páo, có tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt trong căn nhà tối om như trời chiều của Thào Thị Sơ (29 tuổi, trú cụm 9). Sơ là người phụ nữ có sắc vóc; dù đã trải qua 5 lần sinh nở - lần gần đây nhất là 7 tháng trước - nhưng người phụ nữ Mông này vẫn giữ được nét trẻ trung.

Cuộc sống 8 không đầy bế tắc và giấc mơ được làm... công dân! - 8

Thào Thị Sơ và những đứa con tự sinh ở nhà, trong đó chỉ có một đứa con được làm khai sinh

Ôm đứa con gái đang ngủ say vào lòng, Sơ cho biết, đây là đứa con gái thứ 5 của gia đình. “Mình tự đẻ, lần nào đau quá thì nhờ chị chồng sang đỡ giúp. Cả 5 đứa, chưa đứa nào phải đi bệnh viện. Chỉ duy nhất con gái đầu đang đi học được làm khai sinh, còn lại thì chưa. Chồng bảo, đẻ thêm 2 đứa nữa thôi, nhưng nhất định phải có con trai”, Sơ thật thà cho hay.

Trưởng cụm 9- Giàng Seo Sình cho biết, bao nhiêu năm sống trong thiếu thốn, đói khổ, người dân đã quá quen. Gần 20 năm vào Tây Nguyên, người Mông ở đây tự trồng rau để ăn, lấy nước suối để uống, có bệnh tự chữa. Những đứa trẻ lần lượt được sinh ra ở đây, có đứa đi học, có đứa chưa một lần tới trường…

                                                                                          Dương Phong

Kỳ tới: Những đứa trẻ không thấy tương lai