1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc giải cứu cháu bé bị bạo hành của 7 người phụ nữ

(Dân trí) - “Tôi nghĩ, cháu bé có chết đi chăng nữa thì cũng được một ngày sống trong vòng tay êm ấm của chúng tôi còn hơn phải chịu sự ghẻ lạnh, đánh đập mãi như thế”, chị Trần Thị Minh Huyền, một trong 7 người phụ nữ cứu cháu Diễm My (tại Gia Lai) tâm sự.

Những “trinh sát” bất đắt dĩ

Họ là 7 người phụ nữ bình dị với các nghề phụ hồ, giáo viên, buôn bán... ở tổ 7, phường IaKring, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Chị Đặng Thị Minh (45 tuổi) là giáo viên mầm non. Hằng ngày chăm chút, dạy dỗ cho các cháu nên ở chị luôn dạt dào tình yêu thương con trẻ. Nghe tin ở phường Yên Đỗ có một cháu bé bị mẹ bỏ rơi, bị người nuôi giữ đánh đập, ngược đãi nên chị bàn với chồng đến xin nhận cháu về làm con nuôi.

Chị Minh đã tìm được đến căn nhà trọ của bà Lê Thị Hương. Tại đây, chị Minh thấy cháu bé 2 tuổi Nguyễn Kiều Diễm My nằm bẹp rên rỉ ở xó nhà, người đầy thương tích. Thế nhưng, bà Lê Thị Hương ngã giá muốn đưa cháu bé đi phải có 20 triệu đồng.

Chị Minh quay về, đem câu chuyện thương tâm này thuật lại cho những người bạn của mình.

Vào một buổi sáng, 7 người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn này đã gặp nhau tại một quán cà phê và bàn cách cứu cháu My khỏi bà Hương. Chị Minh được “phái” đi gặp bà Hương để thương thảo một lần nữa về việc xin con nuôi nhưng bất thành. Qua nhiều ngày theo dõi, 7 “trinh sát” bất đắt dĩ này phát hiện bà Hương thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu My một cách dã man, thậm chí còn bắt cháu ngồi ăn ở xó bếp sát cầu tiêu…

Nhằm khích lệ tinh thần của 7 người phụ nữ có công phát giác vụ bạo hành, cứu cháu My, chiều ngày 28/10, Chủ tịch TP Pleiku - Nguyễn Hồng Hà đã tổ chức buổi lễ tuyên dương cho 7 phụ nữ trên kèm theo giấy khen và tiền thưởng 100.000 đồng/người.

Chị Trần Thị Minh Huyền kể lại: “Thấy cháu bé thảm thương quá, chúng tôi có báo lên chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy động tĩnh gì. Chúng tôi quyết định tìm bằng chứng về tội ác của bà Hương để khẳng định với cơ quan công an rằng mình không trình báo khống”.

Các chị đã chuẩn bị máy điện thoại có ghi âm, chụp hình, giả làm những người đi xin con vào nhà bà Hương. “Tôi đem cái điện thoại chụp hình cảnh bạo hành này, để chụp hình làm bằng chứng và để phòng nếu lỡ có bị đánh thì cũng còn chứng cứ cho công an điều tra vì tôi nghe phong thanh bà Hương hung dữ lắm”, chị Đặng Thị Minh tâm sự.

Chiều ngày 23/10, các chị đến nhà bà Hương “đàm phán”, bà Hương chưa đồng ý vì cho biết đã có người ngã giá 20 triệu rồi. Các chị ra về và một ý nghĩ táo bạo nảy ra: “Cướp cháu bé”.

Chị Minh Huyền tâm sự: “Chúng tôi không còn cách nào khác, vì cứ để cháu My ở với bà Hương thêm vài ngày nữa thì cháu chết mất. Thà cháu chết trên vòng tay chúng tôi thì cũng được một ngày trong vòng tay êm ấm…”.

Sáng 24/10, các chị quay lại tìm cháu bé thì mới tá hỏa biết bà Hương vừa chuyển nhà trọ trong đêm trước đó, khi phát hiện mình đã bị các “trinh sát” theo dõi. 

 

Cuộc giải cứu cháu bé bị bạo hành của 7 người phụ nữ - 1

Dấu vết của bạo hành còn hằn in trên thân thể cháu bé 2 tuổi

Chính quyền địa phương vô cảm?

Lân la khắp nơi, hỏi mãi nhưng người dân ai cũng lắc đầu không biết bà Hương chuyển đi đâu. Mọi người có vẻ ái ngại không dám “tố” vì sợ bà Hương trả thù. Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, các chị gặp một thanh niên và được anh cho biết bà Hương vừa chuyển đến nhà trọ của ông Trần Đại Luyện ở cùng phường Yên Đỗ, cách nhà trọ cũ vài trăm mét. “Các cô ơi, hãy cứu cháu bé ra khỏi vòng tay tội lỗi!”, nói xong người thanh niên vội vàng lảng đi.

Khi các chị tìm đến nhà trọ thì bị ông Trần Đại Luyện hăm dọa, quát mắng. Còn bà Hương thì quát: “Công an đã mời tao lên 2 lần làm việc nhưng thấy tao không đánh cháu bé nên cho về. Việc gì mà các bà xía tay vào…”. 

Chị Minh Huyền đã gọi điện cầu cứu đến PV báo Gia Lai và công an phường Yên Đỗ, cảnh sát 113, Hội Phụ nữ các cấp… Thế nhưng, khi phóng viên đến, ông Trần Đại Luyện còn đòi đập vỡ ống kính máy nếu PV nào vào nhà ông quay phim, chụp hình. Ngay sau đó, công an phường Yên Đỗ đến đưa bà Hương và cháu My về trụ sở làm việc.

Bà Hương nói cháu My không có bộ đồ mặc, Hội phụ nữ phường mới trích 100.000 đồng mua quần áo, sữa và thuốc xoa các vết thương cho cháu. Trong lúc chị Huyền cùng các chị khác chia nhau đi mua sữa, thuốc, áo quần thì công an đã cho bà Hương mang cháu My về.

Không đồng tình với cách giải quyết thiếu trách nhiệm này, 7 chị lại một lần nữa gõ cửa đến các lãnh đạo phường Yên Đỗ, TP Pleiku.

Lần thứ hai trong buổi chiều ngày 24/10, bà Hương phải bế cháu My lên trụ sở công an phường làm việc. “Trinh sát” Đặng Thị Nga - người vừa sinh con mới được 1,5 tháng bức xúc: “Việc đánh đập cháu My của bà Hương là rõ ràng và nghiêm trọng như thế mà công an phường lại cho bà về. Đến khi chúng tôi báo với UBND phường và gọi điện “cầu cứu” khắp nơi, với quyết tâm cứu cháu bé ra khỏi bàn tay của người đàn bà độc ác này, thì đến 16 giờ chiều, công an mới đưa bà Hương lên làm việc. Khổ nỗi, thấy chúng tôi tập trung trước trụ sở công an, nhiều người tưởng có vụ bể hụi nào nữa đây”.

“Trinh sát” Nguyễn Thị Như Như (36 tuổi, làm nghề phụ hồ) nói: “Một cán bộ công an còn nói, nếu các chị lo cho con bé thì nhận nó mà chăm sóc đi, chúng tôi ở đây đâu có ai mà chăm sóc. Không biết vị này nghĩ sao mà “phán” câu như vậy!”.

Thương cho cháu bé bất hạnh, chị Như đứng ra chịu trách nhiệm chăm sóc, còn chị Huyền và các “trinh sát” khác đảm nhận việc đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu. Những ngày qua, 7 chị vẫn thay nhau chăm sóc cháu My như con đẻ của mình.

Cuộc giải cứu cháu bé bị bạo hành của 7 người phụ nữ - 2

Cháu My đang sống trong vòng tay chở che của các “trinh sát” tại bệnh viện.

Bà mẹ tuổi 17

Nghe tin con mình đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, ngày 26/10, chị Nguyễn Thị Thế Sự (còn gọi là Xuân), mẹ của cháu Nguyễn Kiều Diễm My đã đến bệnh viện thăm con được khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi đi.

Xuân cho biết trước đây làm nghề uốn tóc tại TP Pleiku. Nhưng do cuộc sống vất vả nên bỏ nghề đi làm ăn và giao con của mình cho bà Hương chăm sóc với tiền công 400.000 đồng/tháng. Khi được hỏi về cha bé My, Xuân lặng im không nói.

Xuân còn cho biết, mình không có cha, còn mẹ chẳng ra gì. Nghe tin con mình bị đánh, Xuân lên với ý định đem con về cho chị mình ở dưới quê nuôi.

Chị Minh Huyền cho biết: “Xuân đi với vài cô bạn gái khác, họ còn rất trẻ nhưng tóc nhuộm trông khá sành điệu. Tuy nhiên, Xuân dường như không biết cách chăm sóc con. Thấy con mình đái dầm, Xuân bối rối rồi giao con cho chị Như bế, rồi đi không trở lại”. 

Bài và ảnh: Công Quang