1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cuộc đời của "đại ca" xin đi tù

Tóc đã chớm bạc, nụ cười hiền cùng với biết bao dự định. Đó là những gì trong giây phút gặp đầu tiên tôi thấy ở Nguyễn Đình Tám. Nếu không rõ quá khứ của gã, hẳn nhiều người không thể ngờ, gã từng có năm tháng ngang dọc giang hồ, chẳng biết sợ là gì.

Giang hồ quê lúa

 

Ngôi nhà của người đàn ông tên Tám ở chợ Hợp Thành, xã Hợp Thành (Yên Thành - Nghệ An). Cũng ở chính vùng quê đó, nuôi nấng gã, rồi gã bước chân vào giới giang hồ và khiến biết bao người khiếp sợ. Nhưng đâu phải như thế đã hết, gã còn gặp những đắng cay khác và đến nỗi, không còn gì để mất. Lạ lùng thay, chính khi đó, gã tìm thấy chân giá trị bản thân và làm lại cuộc đời.

 

Câu chuyện của Tám liên tục đứt đoạn bởi điện thoại gọi đến. Gia đình đông con, gã là con út nên được chiều. Tuổi cắp sách đến trường, gã thông minh nhưng nghịch ngợm, quậy phá, khiến bố mẹ đau đầu.

 

Đang tuổi “choai choai”, một hôm đi học về, vì thấy ba thanh niên bắt nạt một em gái, Tám đã nổi máu hăng, xông vào đánh. Kết quả của cuộc ẩu đả “anh hùng cứu mỹ nhân”, là ba gã trai kia phải nhập viện. Gia đình họ tố cáo, với kết quả thương tật, Tám bị tuyên phạt 16 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

 

Song, vì chưa đủ tuổi thi hành án nên được hoãn. Không muốn mang gánh nặng “nợ án” trên vai, Tám viết đơn xin được đi thi hành án sớm tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Đơn được bố mẹ ký xác nhận nên Tám đi thi hành án lúc 16 tuổi.
 
Cuộc đời của đại ca xin đi tù

 

Những tưởng, lối rẽ phận người ở vào độ tuổi ấy sẽ khiến cho con đường học vấn của Tám dừng lại. Nhưng sau thời gian chấp hành bản án, Tám trở về, bước qua mặc cảm lỗi lầm, gã đến trường xin được học tiếp để hoàn thiện chương trình THPT. Những ngày ôn thi đại học, Tám lại vướng vào pháp luật. Chán ghét cuộc sống tù túng, gò bó nên mặc dù thi đậu đại học, Tám bỏ luôn chuyện học hành, bắt đầu cuộc đời phiêu dạt giang hồ.

 

Bước sang tuổi 20, gã bất ngờ xin gia đình cưới vợ. 5 đứa con sòn sòn ra đời chỉ trong 7 năm. Nhưng gã vẫn nay đây mai đó, chẳng chịu lo làm ăn, nuôi vợ nuôi con. “Đẻ ra mấy đứa con, hai vợ chồng không nghề ngỗng, cuộc sống chẳng dễ dàng gì”, Tám tâm sự.

 

Quẫn trí một thời gian, rồi gã chợt nảy ra ý định mua đất ở ngã tư chợ Hợp Thành buôn vải. Do thiếu kinh nghiệm nên liên tục thua lỗ. Gã quay sang bán hàng cấm. Kinh doanh bất hợp pháp nên chẳng mấy chốc, Tám phất như diều gặp gió, kinh tế mạnh lên trông thấy. Thói đời, càng lợi nhuận càng bị ma lực đồng tiền lôi kéo, Tám cũng không ngoại lệ khi chuyến sau cứ nhiều hơn chuyến trước và dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi.

 

Nhưng đâu chỉ có thế, từ năm 1990 trở đi, gã xưng hùng xưng bá, kết nạp cả trăm đàn em tạo thành đường dây buôn lậu và tổ chức đánh nhau giành giật địa hạt. Trong thời gian này, có đến hàng chục lần Tám bị Công an bắt vì tổ chức đánh người, tổ chức các sòng bài ăn tiền trái phép, buôn bán hàng cấm, gây rối trật tự công cộng… Song, với bản tính lọc lõi, ranh mãnh Tám luôn có bằng chứng ngoại phạm.

 

Con đường hoàn lương

 

Điều khiến Tám “chùn tay” có lẽ là do vợ và con út bị trọng bệnh. Mải chạy chữa cứu vợ con, nên trong một chuyến hàng lớn từ Lào về đã bị chính quyền truy quét. Tám gần như mất trắng. Nhiều đàn em quay lưng, bỏ đi. Đúng lúc gã bi quan nhất thì chính quyền địa phương, bà con lối xóm đã đến với gia đình, động viên và chung tay giúp đỡ. Gã nhận thấy tình người trong cuộc sống và anh quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ để bắt đầu làm lại từ đầu.

 

Năm Tám 40 tuổi, để giải quyết những khó khăn về vật chất, Nguyễn Đình Tám bàn với vợ thế chấp nhà cửa cho ngân hàng để vay vốn cho vợ xuất khẩu lao động. Không ngờ, lần đi ấy, gã đã mất vợ, các con vĩnh viễn mất mẹ, bởi từ lúc bước chân sang xứ người đến nay, chị chưa một lần về.

 

Tám lâm vào cảnh gà trống một mình nuôi con. Từ bỏ nghiệp buôn thúng bán bưng, gã lao vào khai khẩn đất hoang hóa, trồng đủ thứ cây củ quả, chẳng mấy chốc, Tám trở thành thủ lĩnh tiên phong trong việc trồng cây mới, nuôi con mới. Không có vốn, gã nhờ Công an xã, Hội phụ nữ đứng ra bảo lãnh, tín chấp cho mình vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Khi tích cóp được đồng vốn, Tám sẵn sàng cho người dân vay để cùng phát triển.

 

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, Nguyễn Đình Tám còn chăm lo, nuôi dạy con cái thành người. Luôn lấy quá khứ của mình ra để răn dạy con, gã không muốn mấy đứa trẻ lớn lên phải chịu sự dị nghị “tre nào măng nấy”.

 

Với sự kiên trì ấy, 5 người con của anh gã lần lượt vào đại học, cao đẳng. Bản thân “đại ca” ngày nào giờ trở thành cộng sự tin cậy của công an địa phương, tích cực tham gia giúp đỡ những người lầm lỗi, tố giác bắt giữ tội phạm; Tám cũng là “Mạnh thường quân”, thường xuyên giúp đỡ vật chất, tiền bạc cho người nghèo khó.

 

“Cái được lớn nhất của tôi là những đứa con cậu ạ. Đứa nào cũng có công ăn việc làm tử tế, đó có lẽ là món quà Thượng đế đã ban cho tôi. Và không chỉ có thế, tình làng nghĩa xóm, các cấp chính quyền động viên, giúp đỡ, cũng là cơ hội để tôi đứng vững và chuộc lại lỗi lầm”, Nguyễn Đình Tám chia sẻ.

 

Mới đây nhất, trong một lần gọi điện và “dứt khoát” với vợ, người phụ nữ đã bỏ rơi chồng và con để tìm hạnh phúc riêng, Tám đã được chấp thuận ly dị. Thương bố, các con của Tám đã làm mối cho gã một người phụ nữ “đã qua lần đò”, nhưng còn trẻ.

 

Hai người đã thành vợ thành chồng và mong muốn viết lại những trang sách mới cho cuộc đời mình. Và, trong ngôi nhà ở chợ Hợp Thành của Tám đã tràn ngập tiếng cười. Người ta cũng quên luôn chuyện quá vãng của Tám, và dường như chỉ nhớ được, gã là một người tốt và có nụ cười hiền.

 

Theo Thảo Thảo

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm