Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Hàng nghìn hộ dân sống cảnh như... chị Dậu
(Dân trí) - “Tui ở đây cũng được 52 năm rồi chừ tuổi già sức yếu rồi. Nhà ở đây thì ngày càng xuống cấp, mục nát. Mưa gió là dột đủ chỗ, ngày mô cũng sợ nhà sập cả. Nghe tin chính quyền chuẩn bị cấp đất, cấp nhà tui cũng mừng lắm. Tui chỉ mong chính quyền cấp cho tui cái nhà để tui nghỉ ngơi tuổi già, chớ tui ở đây lâu cũng cực khổ lắm rồi”.
Hơn 4.200 hộ dân sinh sống tại khu vực I, Kinh thành Huế
Hơn 130 năm nay, kể từ khi triều đình Huế ký Hiệp ước Patenote vào năm 1884 để quân Pháp vào đóng ở đồn Mang Cá (bên trong Kinh thành) và sau đó dần mất đi chủ quyền, việc bảo trì Kinh thành ngày càng sa sút, thiếu sự quan tâm của triều đình. Tình trạng này tiếp diễn sau khi nhà Nguyễn mất đi vai trò lịch sử của mình vào năm 1945.
Kể từ thời điểm đó, khi Kinh đô Huế nói chung và Kinh thành Huế nói riêng trở thành di tích, Kinh thành Huế ngày càng hư hỏng dần do nhiều yếu tố: thiên tai, chiến tranh, sự tác động của con người. Tại nhiều điểm di tích, dân địa phương tự động lấn chiếm dần mặt bằng công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu không chỉ trong Thành nội, ngoài thành giai, trên mặt hào, mà còn tác động ngay trên Thượng thành, trong lòng các pháo đài và trên tuyến phòng lộ…
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Trong các khu vực I của di tích Kinh thành, chủ yếu ở các khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ Thành Hào, Phòng lộ Kinh Thành, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Trấn Bình Đài và các hộ trong Kinh Thành có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống”.
Áp lực của các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mỹ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt làm môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong khu vực Kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp gần 1/5, số còn lại (trừ các hồ trong khu vực Đại Nội) đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải sinh hoạt của người dân gây nên tình trạng mất mỹ quan khu vực trầm trọng.
Trước những tình trạng trên, UBND tỉnh TT-Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các sở ngành chức năng, địa phương liên quan xúc tiến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế, thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, để sớm thông qua các bộ, ngành chức năng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện.
Người dân mơ về một chỗ ở mới
Những hộ dân sinh sống ở đây phần lớn đều là người nghèo, họ sống lam lũ, cực khổ, kiếm sống bằng những nghề như xích lô, xe thồ, bán hàng rong... Quanh năm suốt tháng họ sống trong những ngôi nhà tồi tàn, thấp thỏm lo âu vì sợ nhà sập lúc nào không hay.
Bà Nguyễn Thị Duyệt, 79 tuổi (phường Thuận Lộc, TP Huế) trải lòng: “Tui ở đây cũng được 52 năm rồi chừ tuổi già sức yếu rồi. Nhà ở đây thì ngày càng xuống cấp, mục nát. Mưa gió là dột đủ chỗ, ngày mô cũng sợ nhà sập cả. Nghe tin chính quyền chuẩn bị cấp đất, cấp nhà tui cũng mừng lắm. Tui chỉ mong chính quyền cấp cho tui cái nhà để tui nghỉ ngơi tuổi già, chớ tui ở đây lâu cũng cực khổ lắm rồi”.
Bà Võ Thị Nhạn, 71 tuổi tạm trú tại 50 Nguyễn Chí Diểu (thuộc Lục Bộ, quần thể di tích cố đô Huế) cho biết: “Tui ở đây đơn côi, không chồng không con, một thân một mình. Cuộc sống cực khổ không khác chi chị Dậu. Mùa mưa bão nhà dột, ẩm thấp. Ở trong nhà phải đội mũ bảo hiểm kẻo sợ sập. Đồ vật trong phải che bạt hết vì mỗi lần mưa là dột hư hết đồ”.
Các hộ dân ở khu Eo Bầu cảm thấy lo âu vì họ đều không có sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất. Cái nghèo khiến họ chỉ lo quần quật làm ăn chứ không mấy khi màng đến chuyện làm giấy tờ, chứng nhận đất ở.
Ông Trịnh Xuân Lộc, 64 tuổi (trú tại khu vực 4, Thượng thành Eo bầu, TP Huế) cho biết: “Gia đình tui ở đây 3 đời rồi, ở từ trước năm 1954 tới chừ nhưng không có sổ đỏ hay giấy chứng nhận đất đai gì. Nghe tin chính quyền giải quyết chỗ ở cũng lâu lắm rồi mà đến chừ vẫn chưa thấy chi. Chừ tui chỉ hi vọng chính quyền cấp đất cho tui để tui dựng lại nhà thờ chứ cũng không mong gì hơn.”
Dự kiến, từ năm 2019 đến 2025, tại Huế sẽ có 2 cuộc di dân lịch sử với hơn 4.200 hộ ra khỏi các vùng di tích Cố đô, với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.
Những bức tường đầy rêu phong, chờ sập.
Bạch Châu – Đại Dương