1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cuộc chiến” giành lại vỉa hè: Phải phạt cả người để vỉa hè bị lấn chiếm!

(Dân trí) - “Người Việt lười đi bộ? Không, người Việt từ xưa vẫn quen đi bộ, nhưng nay không có môi trường để đi bộ. Vỉa hè bị lấn chiếm, những người làm công tác quản lý đô thị dường như cũng quên người đi bộ khiến người dân không có chỗ mà đi. Phải phạt người lấn chiếm vỉa hè và cả những người để vỉa hè bị lấn chiếm”.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí như vậy xung quanh vấn đề đi bộ và “cuộc chiến” giành lại vỉa hè.


Thi công lát lại vỉa hè và cấm đường người đi bộ.

Thi công lát lại vỉa hè và "cấm đường" người đi bộ.

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết ông vẫn thường xuyên đi bộ nhà từ tới cơ quan làm việc, nhưng thấy đi bộ là rất khó vì... không có chỗ để đi. Một số đoạn tuyến đã thực hiện quản lý thì đi được, nhưng từ nhà đến cơ quan không phải có mỗi đoạn mà có rất nhiều đoạn và trên nhiều tuyến phố không thể đi bộ được.

“Ngay cả những người quản lý dường như cũng quên mất người đi bộ. Bằng chứng là những tuyến phố đang lát lại vỉa hè, cả vỉa hè rất rộng nhưng họ đóng luôn vỉa hè lại để thi công, không ai có thể đi vào được và họ phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó, việc sửa chữa đường sá thông thường phải làm từng phần, từng làn xe để dành lại 1 phần đường cho người tham gia giao thông” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện ở Hà Nội và TPHCM chắc chắn rằng không bao giờ có việc tìm nguồn thu từ vỉa hè. Chúng ta luôn ý thức rằng lát lại vỉa hè sạch đẹp để thuận tiện cho người dân và khách du lịch đi bộ. Nhưng làm xong, lát xong thì những người có cửa hàng mặt phố ngang nhiên coi vỉa hè là của mình. Điều đó không thể chấp nhận dược được, đó là tài sản của nhà nước, đất vỉa hè, không gian vỉa hè, tiền lát vỉa hè là tiền thuế của dân.


Chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh hàng quán, người đi bộ không có chỗ để đi.

Chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh hàng quán, người đi bộ không có chỗ để đi.

Đề cập đến việc lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội từng ra quân xử phạt người đi bộ không đúng quy định của pháp luật, ông Hùng cho rằng điều đó là đáng hoanh nghênh vì những người đi bộ không đúng quy định sẽ gây ra nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, đe doạ tính mạng của bản thân và người khác, tuy nhiên các đối tượng khác cũng phải xử phạt.

“Ở mặt phố đã có lợi trong kinh doanh buôn bán rồi mà lại chiếm dụng nốt vỉa hè của người đi bộ là không thể chấp nhận được. Cần phải xử phạt cả những người lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng không gian của người đi bộ, phạt cả người quản lý mà không thực hiện đúng chức trách trong việc đảm bảo quyền tham gia giao thông của người đi bộ và những người để vỉa hè bị lấn chiếm. Những người đi bộ không đúng chỗ lao xuống đường uy hiếp an toàn giao thông cho bản thân mình và người khác thì cũng phải xử phạt, chúng ta không nói 1 vế được, phải công bằng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay đã nhận được rất nhiều ý kiến đòi xén vỉa hè để mở rộng đường, nhưng ông cho rằng điều đó là không nên, quan trọng là phải làm sao để người dân đi bộ được thì mới bàn tới vận tải công cộng. Bởi khi có phương tiện cơ giới rồi thì người ta sẽ lười đi bộ, nhưng khi phương tiện công cộng tốt thì nhu cầu đi bộ sẽ gia tăng, vì người ta sẽ đi bộ tới nơi đón phương tiện công cộng.

Theo ông Hùng, khi quy hoạch, thiết kế mạng lưới giao thông công cộng thì đều thiết kế đối tượng sử dụng đa số là người đi bộ, họ đi bộ từ nhà tới bến xe và từ bến xe tới các cơ quan công sở để làm việc. Cần môi trường tốt để đi bộ và khi có được ít đường nào, vỉa hè nào thì cố gắng sử dụng cho tốt và hiệu quả.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm