1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Cuộc chiến" giành lại lòng lề đường: Nghịch lý và phi lý!

(Dân trí) - Từ tháng 9/2007, UBND TPHCM đã có kế hoạch kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, cấm buôn bán, trông xe… Đến nay, kế hoạch này xem chừng đã phá sản. Đây là kết quả dễ tiên đoán vì nội dung kế hoạch và quá trình thực hiện còn nhiều điều nghịch lý và phi lý.

Nghịch lý

 

Những cô bán hàng rong trên vỉa hè, những quán cóc ven đường thường nhấp nha nhấp nhổm, bừa bán vừa trông xem có lực lượng trật tự đô thị, công an đi tuần không. Nhác thấy bóng công an là lật đật tay xách nách mang, giấu được gì thì giấu, chạy được gì thì chạy.

 

Chậm tay thì mất bộ ghế nhựa giá vài chục ngàn. Chậm hơn thì mất cả gánh hàng, “đứt” 2/3 vốn làm ăn. Lúc đó chỉ biết mếu máo van xin.

 

Trước khu căn hộ cao cấp và dịch vụ The Manor luôn có một dãy dài hàng chục chiếc ô tô bóng loáng đậu từ sáng đến tối. Xe riêng có, taxi có… ra vào nườm nượp, choán hết đường dành cho xe hai bánh. Đường đi được xem như bãi đậu xe của khu The Manor.

 

Nhưng chưa từng thấy công an, trật tư đô thị đến “hỏi thăm” nơi này. Cảnh này cũng diễn ra hàng ngày ở trước các khu nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm thương mại…

 

Nghịch lý này khiến nhiều người nghĩ rằng: Phải chăng lệnh cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường chỉ áp dụng với những người “thấp cổ bé họng”, buôn gánh bán bưng?

 

"Cuộc chiến" giành lại lòng lề đường: Nghịch lý và phi lý! - 1

Những chiếc xe chiếm hết vỉa hè trước các nhà hàng, quán ăn lớn. (Ảnh: T.N)

 

Nhiều người dân nghèo cũng trộm nghĩ: Người ta chiếm gần 10m2 đậu cái ô tô; mình chỉ đặt cái gánh hàng chưa hết 1m2, có gì mà không được.

 

Từ nghịch lý này mới kéo theo các nghịch lý khác: Vỉa hè không dành cho người đi bộ, lề đường cấm xe hai bánh đậu nhưng ôtô thì vô tư,…

 

Phi lý

 

Theo thống kê sơ bộ của Viện Kinh tế TPHCM, năm 2004 toàn TP có khoảng 100-120 nghìn người kinh doanh trên vỉa hè, lề đường; 40-50 nghìn người buôn bán hàng rong… Tổng cộng là khoảng 150.000 - 170.000 người. Nếu cứ một người nuôi thêm một người nữa thì số người sống nhờ vỉa hè, lề đường là 300.000 - 400.000 người.

 

Con số này không hề nhỏ, trên dưới 5% dân số TPHCM. Từ năm 2004, trong nghiên cứu “Tình hình lấn chiếm lề đường: thực trạng và giải pháp”, TS Hồ Hữu Nhựt đã đề nghị phải nghiên cứu kỹ và có chính sách tái bố trí địa điểm kinh doanh cho mọi người đi kèm với việc giải tòa lòng lề đường. Có như thế mới giải quyết được vấn đề một cách triệt để và hợp lòng dân.

 

"Cuộc chiến" giành lại lòng lề đường: Nghịch lý và phi lý! - 2

Lòng đường thành bãi để xe riêng của The Manor? (Ảnh: T.N)

 

Nhưng theo kế hoạch 6650 thì chỉ vỏn vẹn vài dòng: nghiêm cấm kinh doanh, buôn bán, giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Vậy là các cơ quan chức năng dẹp chỗ này thì bà con chạy qua chỗ kia, lực lượng trật tự đô thị tới thì bà con lại dọn đồ chạy chỗ khác.

 

Một bác bán cà phê cóc trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1 lắc đầu: “Cô cũng biết là vi phạm luật của nhà nước, chạy công an cũng mệt lắm chứ, nhưng biết làm sao…”.

 

Biết làm sao khi quy định không đi kèm chính sách. Một chữ “cấm” là chén cơm, manh áo, là cuộc sống của 400.000 con người.

 

Chính sự phi lý này khiến kế hoạch giải tỏa lòng lề đường của TP phá sản! UBND TP cũng đã thừa nhận kết quả này trong một cuộc họp cuối tháng 12 vừa qua. Có thực hiện tiếp kế hoạch không hay sửa đổi thế nào, vẫn chưa có kết luận. Và cuộc sống nhiều dân nghèo cũng đành lửng lơ theo kế hoạch.

 

Tùng Nguyên