1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cục trưởng Thi hành án TPHCM kêu khó thu hồi tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Vũ Quốc Doanh cho biết, cơ quan này đang tổ chức thi hành rất nhiều vụ án kinh tế tham nhũng với số tiền lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng như Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như,...nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hồi tài sản.

Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TPHCM) tại một phiên toà.
Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TPHCM) tại một phiên toà.

Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 15/11, ông Vũ Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết, cơ quan này đang tổ chức thi hành rất nhiều vụ án kinh tế tham nhũng với số tiền lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng như Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam), Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TPHCM),...

“Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi thu hồi tài sản. Chúng tôi kiến nghị Trung ương xem xét làm sao có cơ chế thu hồi tài sản ở nước ngoài, cũng như kiểm soát thu nhập, đầu tư tại nước ngoài do phạm tội mà có”- ông Doanh nói.

Nhận định thi hành án hình sự còn rất nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xử lý tài sản đối với các đại án kinh tế, tham nhũng nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Cục trưởng Thi hành án dân sự TPHCM đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét xây dựng những cái vụ việc thi hành án gặp khó khăn phức tạp điển hình, trở thành án lệ. “Từ đó sẽ giúp cho cơ quan thi hành án dựa vào đó làm cơ sở, tham khảo để thi hành án, đảm bảo sự thống nhất giữa các ngành”- ông Doanh nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn đã được đưa ra xét xử, tổ chức thi hành án nhưng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình như số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa.

Hiện còn hơn 202 nghìn việc với gần 86.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng phải theo dõi, đôn đốc, xác minh theo định kỳ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, tính chất phức tạp, hạng mục tài sản phải kê biên lớn, nhiều chủng loại hoặc mới được thụ lý đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án, trong khi thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ.

Đến nay chưa có cơ chế riêng trong thẩm định giá tài sản phát mãi để thi hành án, đặc biệt chưa tính đến tính rủi ro, tâm lý “e ngại” của người mua tài sản kê biên. Người được thi hành án, đặc biệt là các tổ chức tín dụng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong trường hợp không có người tham gia đấu giá hoặc đấu giá không thành.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lực - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, vụ Phạm Công Danh đã thi hành xong 5.230 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45%), các khoản còn lại cơ quan thi hành án đang phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê biên.

Trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tòa án tuyên bị cáo sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước 500 tỷ đồng. Bị cáo này không còn tài sản nào khác để thi hành.

Thế Kha- Nguyễn Trường