1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Cực hình suốt 10 năm ngửi mùi hôi thối từ bãi rác

(Dân trí) - Suốt 10 năm qua, người dân sống gần bến thuyền Nhân Ân (ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) rất bức xúc khi phải sống chung với mùi hôi thối, ruồi nhặng từ bãi rác tự phát ngay bến thuyền Nhân Ân.

Cực hình suốt 10 năm ngửi mùi hôi thối từ bãi rác

Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực bến thuyền Nhân Ân, nhiều năm qua, đủ thứ các loại rác thải sinh hoạt, phế liệu, thậm chí cả các loại xác súc vật chết… đều đổ về bến thuyền Nhân Ân. Hiện, diện tích bến thuyền bị rác thải… bao vây mất khoảng 1/3 diện tích, đẩy bến thuyền ra xa hơn. Người dân kêu la chán rồi phải tự gom lại đốt giảm bớt ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Bến thuyền Nhân Ân ngập rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xác súc vật chết.
Bến thuyền Nhân Ân ngập rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xác súc vật chết.

Tình trạng bến thuyền ngập rác, mùi hôi thối, ruồi nhặng dân chịu không thấu. Mới đây, đoàn xã Phước Thuận đem đến đặt 1 tấm bảng, ghi dòng chữ: “Bảo vệ môi trường hãy bắt đầu từ bây giờ”. Thế nhưng, chả thấy có chữ nào liên quan đến cấm đổ rác nên dân làng ngó lơ, cứ thế đem rác đến đây đổ.

Nhà tọa lạc ngay sát bên bãi rác tự phát này, bà Phạm Thị Lan Huệ (64 tuổi, ở thôn Nhân Ân), than: “Suốt 10 năm nay, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối, ruồi nhặng từ bãi rác. Bất chấp, thời điểm nào cũng có người đem rác đến đây đổ. Nhiều người dân ở các xóm lân cận, không chỉ là rác mà cả những con vật chết người ta cũng bỏ trong bao bì mang đến bến thuyền này đổ. Có người ở xa thì nửa đêm, gà gáy đẩy cả xe bò rác đến đây đổ. Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương và các ban ngành sớm có biện pháp xử lý. Một là phải có bãi tập kết rác hoặc có xe rác đến thu gom rác thường xuyên, chứ như thế này thì dân chịu không nổi”.

Sau tấm biển bảo vệ môi trường là bãi rác bao vây nhà dân.
Sau tấm biển bảo vệ môi trường là bãi rác bao vây nhà dân.

Cùng tình cảnh, gia đình Nguyễn Công Danh (38 tuổi, thôn Nhân Ân) cũng luôn chịu “cực hình” bởi mùi hôi thối, ruồi nhặng bay vào nhà. Anh Danh bức xúc: “Gần như nhà tôi phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì mùi thối, chịu không nổi nhưng sống ở đây thì cũng phải cố mà chịu. Mùa nắng, ruồi nhặng sinh ra từ bãi rác bay vào nhà cửa, đậu vào cả đồ ăn. Vợ chồng tôi có 3 con nhỏ, giờ phải sống chung bên bãi rác, với ô nhiễm nên rất lo con cái bệnh tật”.

Theo ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) cho biết do lâu nay địa bàn không có bãi tập kết rác thải nên người dân cứ đổ rác bừa bãi ra nhiều nơi. Nhất là khu vực bến thuyền Nhân Ân, nằm sát chợ nên rác chủ yếu từ khu chợ thải ra với số lượng nhiều hơn.

Rác thải vây nhà dân.
Rác thải vây nhà dân.
Cực hình suốt 10 năm ngửi mùi hôi thối từ bãi rác - 4
Rác thải ở chợ được đổ ngay xuống bến thuyền.
Rác thải ở chợ được đổ ngay xuống bến thuyền.

“Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại xã Phước Thuận vào cuối năm 2018 thì người dân và chính quyền phải nỗ lực giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Mới đây, xã cũng đã họp dân sống xung quanh bến thuyền Nhân Ân, thống nhất tập trung rác thải và chính quyền sẽ hợp đồng sẽ đến thu gom rác sinh hoạt chở đi xử lý”, ông Quang cho hay.

Doãn Công