Cục Hàng không: Vụ nứt kính máy bay Vietnam Airlines là sự cố mức D
(Dân trí) - Đơn vị quản lý an toàn bay của Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận báo cáo từ Vietnam Airlines liên quan đến vụ kính máy bay Boeing 787 bị rạn nứt tại Nhật Bản.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không) cho biết đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines liên quan đến vụ việc kính buồng lái của một chiếc Boeing 787 bị nứt vỡ trong quá trình bay từ TPHCM đến Nhật Bản.
Vị này cho biết kính máy bay nứt vỡ không phải do va đập từ bên ngoài. Đây là sự cố thông thường trong ngành hàng không. Mặt kính có thể phát sinh hư hỏng do quá trình sản xuất vật liệu, ở từng điều kiện cụ thể.
Cục Hàng không xếp loại sự cố này là sự cố "nguy cơ uy hiếp an toàn" (Mức D).
Trước đó, Báo Mainichi của Nhật Bản đưa tin một chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không Vietnam Airlines đã hạ cánh tại sân bay Narita (Tokyo) trong tình trạng rạn nứt cửa kính buồng lái.
Chiếc máy bay xuất phát từ TPHCM đi Narita vào ngày 26/12. Khi đang bay ở độ cao 12.300m, cách đảo Tokunoshima (tỉnh Kagoshima) khoảng 50km về phía đông, kính cửa sổ buồng lái bị rạn nứt.
Tờ Mainichi cũng dẫn lời Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết máy bay tiếp tục chuyến bay và hạ cánh xuống sân bay Narita lúc 13h31 (giờ Nhật Bản). 94 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều an toàn.
Sau khi máy bay hạ cánh, đường băng sân bay đã đóng cửa trong 3 phút để kiểm tra an toàn và không phát hiện bất thường.
Các mức sự cố hàng không theo quy định tại Việt Nam:
Mức A (Tai nạn hàng không): gồm các tai nạn gây chết người trong quá trình sử dụng dịch vụ hàng không tại sân bay, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, đột tử.
Mức B (Sự cố nghiêm trọng): sự cố gây mất an toàn nghiêm trọng dẫn đến việc đóng cửa tạm thời đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay hoặc đóng cửa tạm thời cảng hàng không, sân bay.
Mức C (Sự cố uy hiếp an toàn cao): sự cố gây hư hỏng kết cấu hạ tầng sân bay; gây hư hỏng nặng máy bay, phương tiện, trang thiết bị... dẫn đến máy bay, phương tiện, trang thiết bị không thể hoạt động để cung cấp dịch vụ theo kế hoạch ban đầu; sự cố gây thương tích nặng cho người hoặc uy hiếp an toàn cao cho người, phương tiện hoạt động trên khu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác tàu bay.
Mức D (Sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn): sự cố phương tiện va chạm với phương tiện, trang thiết bị hoặc với người; sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; sự cố gây thương tích cho người trong quá trình khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không.
Mức E (Các vụ việc): Gồm các vụ việc không uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không nhưng có ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.