Cục Đường bộ lên tiếng về việc tài xế "chịu thiệt" khi đổi bằng B1, B2
(Dân trí) - Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, đối với một số lỗi phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX), Sở Giao thông vận tải các địa phương có thể tự khắc phục bằng phương pháp thủ công.
Thời gian qua, báo Dân trí đã phản ánh hệ thống phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe tại một số địa phương gặp vấn đề, khiến các tài xế có giấy phép lái xe hạng B1, B2 khi làm thủ tục cấp đổi trực tuyến chỉ có thể đổi sang bằng B, không thể đổi sang bằng C1.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với một số lỗi phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải các địa phương có thể tự khắc phục bằng phương pháp thủ công.
Vị này cho biết, do hệ thống phần mềm lớn, kết nối toàn quốc nên chưa thể trơn tru tuyệt đối.
Theo vị đại diện, thời gian qua phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe phải cập nhật cho phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên dẫn đến những trục trặc.
"Các cơ quan đã làm việc rất nỗ lực nhưng do phần mềm quá lớn nên chưa thể trơn tru tuyệt đối ngay được", vị đại diện Cục Đường bộ nói.

Người dân đổi giấy phép lái xe tại 116 Cao Bá Quát, Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Như Dân trí đã đưa tin, nhiều tài xế khi làm thủ tục cấp đổi bằng lái ô tô phải chịu thiệt thòi vì bằng B1, B2 cũ bị chuyển sang bằng B mới. Bằng B có hạn chế hơn so với bằng B1, B2 ở thông số trọng tải của xe tải.
Cụ thể, bằng lái B1, B2 cho phép tài xế lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Còn bằng lái hạng B vẫn được lái ô tô chở người đến 9 chỗ (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà "khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn".
Để tránh điểm hạn chế này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã cho phép tài xế cấp đổi bằng B1, B2 sang bằng B hoặc C1. Theo đó, bằng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TPHCM), cho biết hệ thống phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe gặp vấn đề, khiến các tài xế có bằng lái B1, B2 khi làm thủ tục cấp đổi trực tuyến chỉ có thể đổi sang bằng B, không thể đổi sang bằng C1.
Tương tự như Sở GTVT TPHCM, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cũng chưa thể thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến từ hạng B1, B2 sang C1 cho người dân do lỗi phần mềm.
Được biết, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) sẽ hoàn thành bàn giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe của người dân sang Bộ Công an trước ngày 19/2.
Để công tác bàn giao nhanh, gọn, không ảnh hưởng việc cấp đổi GPLX xe của người dân, Cục Đường bộ yêu cầu các Sở GTVT phối hợp với công an địa phương chuẩn bị đầy đủ những nội dung liên quan đến nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX để có thể bàn giao ngay khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT cần có kế hoạch sát hạch phù hợp, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX và hoàn thành việc cấp GPLX với những trường hợp đã nộp hồ sơ tại các sở trước thời điểm nêu trên.
Cục ĐBVN đề nghị các Sở GTVT rà soát, dự báo số lượng phôi ấn chỉ GPLX cần sử dụng phục vụ cho nhu cầu cấp, đổi GPLX trong tháng 2, trong đó có kế hoạch sử dụng đến hết ngày 19/2 và hết ngày 28/2 để báo cáo Cục tổng hợp nhằm đặt sản xuất.
Ngoài ra, các Sở GTVT cần chủ động lập kế hoạch sử dụng có hiệu quả phôi ấn chỉ GPLX đã đặt sản xuất, tránh để thừa và làm phát sinh tăng khối lượng phôi ấn chỉ GPLX.