1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cụ thể đề án giãn dân phố cổ Hà Nội

(Dân trí) - Để di dời 1.800 hộ dân khu vực phố cổ chủ yếu sống ở di tích, trường học và nhà xuống cấp nghiêm trọng, quận Hoàn Kiếm dự kiến chi hơn 4.300 tỷ đồng. Kèm theo đó là các biện pháp chống dân số tăng trở lại.

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân hơn 6,6 vạn người (năm 2010), mật độ 823 người/ha. Trong khu phố cổ hiện có 121 di tích, hơn 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn. Tuy nhiên, đang có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp nguy hiểm và nhà đông hộ.

Để giảm mật độ dân cư ở khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế trong quy hoạch đến năm 2020), tương ứng với việc thời gian tới quận Hoàn Kiếm phải di chuyển hơn 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người.
 
Cụ thể đề án giãn dân phố cổ Hà Nội
 Không gian sinh hoạt chật hẹp, nhếch nhác ở phố cổ (ảnh: Hữu Nghị)

Đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm dự kiến trong giai đoạn một sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ (gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn) sang khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên).

Dự trù nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ giai đoạn I là hơn 4.300 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước để lập đề án, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... khoảng 500 tỷ đồng; Vốn xã hội hóa ứng để đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân là hơn 3.800 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến 2015 sẽ hoàn thành việc giãn dân giai đoạn I.

Song song với việc làm trên, quận Hoàn Kiếm cũng lên kế hoạc chống tăng dân số trở lại. Cụ thể, với những nhà đã thực hiện giãn dân, phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người (là chuẩn diện tích nhà ở bình quân vào năm 2020). Các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải có bản cam kết chuyển hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ tại khu phố cổ.

Đối với các hộ tự nguyện và tách hộ để giãn dân, UBND quận Hoàn Kiếm kiểm soát chặt chẽ đầu đi và đến. Cụ thể, trường hợp nhận nhà không đến ở mà bán hoặc cho thuê, đồng thời quay lại nơi ở cũ thì sẽ bị thu hồi căn hộ và xử lý theo quy định pháp luật. Điều này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ giãn dân; kiểm soát chặt chẽ và áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm tại các vị trí đã được giải phóng mặt bằng…

Sau khi các hộ dân di dời, các công trình thuộc sở hữu Nhà nước, diện tích nhà đất sau khi giải phóng mặt bằng sẽ được bàn giao cho các đơn vị hoặc chủ sở hữu chịu trách nhiệm sử dụng công trình (như di tích, công sở, trường học) để quản lý, sử dụng theo quy hoạch và pháp luật hiện hành.

Công trình thuộc sở hữu tư nhân, sau khi di chuyển phần diện tích của các hộ dân được phép chuyển nhượng cho những người sống trong cùng biển số nhà, hộ dân liề kề và người có hộ khẩu trong khu phố cổ (nhằm tránh tăng dân số trở lại).

Đối với những ngôi nhà xuống cấp đang thuê của Nhà nước, nhà cần bảo tồn thuộc quỹ nhà Nhà nước diện tích bình quân dưới 5m2/người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân, Nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi sẽ sử dụng theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội…

Ngoài ra, các hộ thuộc diện di dời sẽ được mua nhà tại khu nhà ở giãn dân với giá ưu đãi; Phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại tại các tòa nhà tái định cưu sẽ được bán hoặc cho các hộ có nhu cầu kinh doanh thuê lại để đảm bảo cuộc sống…

Quang Phong