1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Hà Nội: “Giãn dân phố cổ là khả thi”

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc giãn dân phố cổ là khả thi, nhưng phải có quá trình. Cũng theo ông Thảo, bên cạnh khu đô thị Việt Hưng, thành phố sẽ qui hoạch tiếp một số địa điểm dành cho giãn dân phố cổ.

Bên lề kì họp Quốc hội, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Thưa ông, đề án giãn dân phố cổ đã được UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng và trình lên các sở ngành liên quan của Thành phố. Ông có thể cho biết quan điểm của Thành phố đối với vấn đề giãn dân phố cổ?

Chủ trương di dân phố cố không phải nhằm xây dựng gì mới mà chính là để giải quyết điều kiện ăn ở của người dân phố cổ. Bởi lẽ, hiện nay, người dân bám sát phố cổ, ở thành tầng, thành lớp trong các ngôi nhà không đủ điều kiện cho cuộc sống.
Chủ tịch Hà Nội: “Giãn dân phố cổ là khả thi” - 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo

Chủ trương của thành phố là vận động, tạo điều kiện giãn dân trong khu vực đó để cải thiện hơn cuộc sống của các hộ dân. Nói cụ thể ở đây là điều kiện về nhà ở, còn xét về thu nhập ở phố cổ chúng ta đều biết, không phải là khó khăn.

Thành phố đã qui hoạch để có những địa chỉ cụ thể cho việc giãn dân tới, chẳng hạn như khu đô thị Việt Hưng.

Giai đoạn 1 của đề án giãn dân phố cổ dự kiến di chuyển khoảng 1.900 hộ dân sang khu đô thị Việt Hưng. Đối tượng thuộc diện di chuyển gồm: các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở, các công trình có nguy cơ sụp đổ… và các hộ dân tự nguyện di dời. Ước toán kinh phí cho giai đoạn 1 là 4.000 tỷ đồng.

Khu đất dành cho giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng có diện tích không lớn và cũng chỉ có thể đón nhận một phần số dân cần di chuyển. Vậy, tới đây thành phố sẽ qui hoạch những khu nào cho giãn dân phố cổ?

Khu đô thị Việt Hưng chỉ là một điểm và tới đây thành phố sẽ tiếp tục qui hoạch các khu giãn dân phố cổ tại các đô thị khác. Chẳng hạn, khu Sài Đồng cũng là điểm có thể qui hoạch tiếp, bởi từ phố cổ qua sông Hồng tới đó rất gần, điều kiện địa lí thuận lợi…

Chỉ với diện tích kinh doanh rất nhỏ, thậm chí chỉ 1m2, người dân phố cổ vẫn có thể kiếm sống dễ dàng nên thực tế nhiều hộ gia đình không muốn dời khỏi nơi mình đang sống. Vậy, thành phố sẽ phải có những cơ chế, chính sách đặc thù gì để người dân có thể chấp thuận di chuyển?  

Trước tiên, nhà nước hỗ trợ về qui hoạch và quĩ nhà, còn điều kiện di chuyển, giao đất thế nào phải theo qui định của luật pháp…

Trên cơ sở đề xuất của quận trong đề án, thành phố cũng sẽ xem xét có những hỗ trợ khác. Chẳng hạn, xem xét hỗ trợ về giá cả trong vấn đề nhà cửa hay đối với những gia đình khó khăn có thể hỗ trợ kinh phí di dời…

Riêng về nghề nghiệp, người dân phố cổ làm nghề truyền thống, kinh doanh nhiều năm nay nên thay đổi nghề nghiệp của người dân là tương đối khó. Để người dân phố cổ có được nghề nghiệp mới, cần có quĩ hỗ trợ đào tạo, học nghề nhằm đáp ứng những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.

Thêm nữa, các khu đô thị của thành phố đều qui hoạch những diện tích kinh doanh và tại đó sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho những người dân phố cổ thuê. Ngay tại khu đất đầu tiên dành cho giãn dân phố cổ thuộc khu đô thị Việt Hưng cũng sẽ có những diện tích để qui hoạch thành khu kinh doanh.

Như vậy, theo ông việc giãn dân phố cổ là có tính khả thi?

Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng đắn và khả thi, nhưng phải có quá trình. Phải làm sao để người dân phố cổ nhận thức rằng, việc di dời đó thiết thực cho cuộc sống của mình…

Xin cảm ơng ông!
 
Cấn Cường