CSGT Hà Nội triển khai 20 điểm "ngã tư an toàn giao thông"
(Dân trí) - Để ngăn ngừa ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, Phòng CSGT Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị địa bàn triển khai các "ngã tư an toàn giao thông" nhằm giúp người dân chấp hành tốt luật giao thông.
Chiều 5/12, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 4/12, đơn vị này đã triển khai mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" tại 20 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội.
Cụ thể, tại các nút giao gồm: Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, Khâm Thiên - Lê Duẩn, Đại Cồ Việt - Giải Phóng, Giải Phóng - Đỗ Mười, Ngã ba ga Thường Tín, khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, Bắc cầu Thăng Long, Võ Nguyên Giáp - lối ra Nguyên Khê (hướng đi quốc lộ 2), Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 2, Liễu Giai - Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng.
Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, đường gom Đại lộ Thăng Long, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn, Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, quốc lộ 32 (từ km14 đến km64), quốc lộ 21A (từ km0 đến km12+200), Cát Linh - Giảng Võ, Láng Hạ - Giảng Võ, đường Hồ Chí Minh (từ km419+900 đến km437+386).
Theo Phòng CSGT Hà Nội, thực hiện phương án của Công an Hà Nội về huy động, bố trí lực lượng chỉ huy, hướng dẫn, phân luồng, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào thành phố, tình trạng người tham gia giao thông điều khiển xe đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ xe trái quy định, không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường... có diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông.
Để giải quyết triệt để tình trạng trên, ngăn ngừa ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, Phòng CSGT Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn, với các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân, qua đó dần hình thành thói quen văn hóa giao thông trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Xây dựng mô hình "Ngã tư an toàn giao thông", triển khai tại các nút giao trọng điểm, tiến tới nhân rộng ra toàn địa bàn thành phố.
Tiếp đó là tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật giao thông qua hệ thống loa truyền thanh tại 61 nút giao trọng điểm; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các tin bài, phóng sự để giúp người dân hiểu rõ các quy định của luật giao thông và hệ thống báo hiệu tại các ngã ba, ngã tư.
Ngoài ra, Phòng CSGT Hà Nội cũng sẽ rà soát, đánh giá về tổ chức giao thông tại các ngã ba, ngã tư trọng điểm, kiến nghị Sở GTVT bổ sung, sửa chữa, và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ như biển báo, vạch kẻ đường... bảo đảm rõ ràng, đúng quy định, giúp người dân dễ dàng thực hiện.
"Tập trung lực lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông đặc biệt là những hành vi dễ dẫn đến ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như điều khiển xe đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ xe trái quy định, không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường...", Phòng CSGT Hà Nội cho biết.
Cũng theo Phòng CSGT Hà Nội, sau khi mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được xây dựng, duy trì, đơn vị này sẽ đánh giá hiệu quả tại các nút giao trọng điểm và đồng loạt triển khai nhân rộng ra toàn thành phố, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người dân.