1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công trình tiền tỷ làm khổ dân!

(Dân trí) - Công trình kênh mương nội đồng huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xây dựng theo kế hoạch kiên cố hóa hệ thống kênh mương của Chính phủ năm 2003. Và suốt 5 năm nay, kể từ lúc hoàn thành, con kênh này thành nơi chứa rác thải, cỏ dại…

Lúc mới hoàn thành, nhìn con kênh chạy dài qua các xã của huyện Nghi Lộc, không ai khỏi trầm trồ thán phục. Con kênh sâu, rộng gần 2m, được xây dựng hết sức kiên cố với chiều dài hàng ngàn mét. Nhưng đã 5 năm qua, kể từ ngày đưa vào sử dụng, con kênh chưa hề phát huy tác dụng mà chỉ đem lại cho người dân hết nỗi khổ này tới nỗi phiền khác.

 

Xây kênh để… đổ rác

 

Cỏ mọc um tùm, rác thải ngập ngụa, không ai nghĩ rằng đây lại là con kênh được xây dựng vì mục đích phát triển nông nghiệp của huyện Nghi Lộc. Những đoạn chạy ngoài đồng thì cỏ dại mọc kín như bưng; những đoạn đi luồn lách trong làng thì trở thành “hố rác” miễn phí của mọi nhà.

 

Ông T.V.N ở xóm 2 xã Nghi Trường nói: “Xây kênh cho dân tui đổ rác thì có chứ làm chi cho nông nghiệp. Tưới tiêu nước cho ruộng mà kênh lại chui trong xóm như ri thì làm chi được?”.

 

Ông Hoàng Văn Thành cùng xóm 2 than thở: “Nhà tui ở sau con kênh, mùa mưa rác ùn ùn trôi từ mô tới chất thành đống, còn mùa hè thì bốc mùi không chịu được. Hôi lắm cô ạ, ở trong nhà mà cứ như nằm trên đống rác ấy”.

 

Còn theo chị Nguyễn Thị Trọng ở xóm 13 thì từ ngày làm kênh, các loại rác thải, cỏ, bao ni lông trên ruộng đều được đổ xuống kênh hết, đến mức không còn nhìn thấy lòng kênh.

 

“Thà không có còn hơn”

 

Một người dân tên Nguyễn Văn Tuấn phàn nàn: “Tui chưa thấy cái lợi chi hết. Trước đây chưa có kênh còn làm được một năm vài vụ, từ ngày có kênh làm chi cũng không được. Đến mùa nước ngập úng, mùa hè thu trồng bắp cũng không được”.

 

Công trình tiền tỷ làm khổ dân! - 1

Con kênh dài ngút tầm mắt và... xanh màu cỏ dại. (Ảnh: Lê Thắm)

 

Chị N ở xóm 8, xã Nghi Hợp, cũng than thở: “Trước đây mương đất nên dễ thoát, giờ bằng kênh bêtông chặn ngang, nước không chảy đi mô được ứ lại trong ruộng…”.

 

Theo quan sát của chúng tôi, con kênh không hề có rãnh để tưới hay tiêu nước. Tất cả chỉ là một khối bê tông ngăn cách giữa đường và ruộng. Không những thế, dọc suốt con kênh có rất ít cầu nên việc vận chuyển phân bón, đi lại vào ruộng gặp nhiều khó khăn. Người dân cho biết, ngày trước xe bò có thể vào tận ruộng, bây giờ họ phải tự bắc ván làm cầu, gánh phân vào, gánh lúa ra, ngày thu hoạch mùa khổ vô cùng.

 

Ông Vũ Văn Trưng bức xúc: “Từ ngày xây con kênh này, bà con tui khổ trăm lần. Đất bị thu hẹp, úng ngập. Đợt bão số 5 năm ngoái, nước không thoát đi đâu được, úng ngập hết cả mấy sào ngô đang chuẩn bị thu hoạch. Mọi năm mưa lụt to hơn nhưng có can chi mô”.

 

Chưa hết, con kênh này còn là nơi “làm ăn” của bọn “cẩu tặc”. “Mùa hè trời mát, bọn thanh niên vô công rồi nghề lợi dụng kênh sâu, cỏ mọc kín, đặt bẫy chó, bẫy gà”, ông Trưng cho biết thêm.

 

Ngoài ra, không cần bẫy, chuyện chó, mèo, trâu bò… rớt xuống kênh rồi không lên được vẫn thường xảy ra. Có chỗ trâu ngã xuống không lên được, bà con phải đập vỡ thành kênh để cứu trâu.

 

Ý kiến chung của hầu hết người dân huyện Nghi Lộc là con kênh này không mang lại cho họ chút lợi ích nào. Họ cùng có chung kiến nghị: Mong Nhà nước xem xét phá bỏ con kênh hoặc tu sửa, để thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất. Đề xuất này đã được bà con gửi lên UBND huyện nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

Lê Thắm