1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Công trình thủy điện "gặp khó" vì giá đền bù GPMB quá thấp

(Dân trí) - Theo kế hoạch, công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư công trình thủy điện Hủa Na (Nghệ An) phải hoàn thành trước tháng 3/2012; nhưng đến thời điểm này vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Dân không chịu di dời vì giá đền bù quá thấp.

1m2 đất ở không bằng… 2 bát phở

Dự án Thủy điện Hủa Na (bản Huôi Muồng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) được khởi công vào tháng 1/2008. Công trình có tổng vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng do Công ty CP thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư. Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180MW, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình khoảng 712,7 triệu kWh/năm, đồng thời điều tiết dòng chảy sông Chu, góp phần chống lũ cho hạ lưu.
Công trình thủy điện "gặp khó" vì giá đền bù GPMB quá thấp - 1

Theo kế hoạch, đầu năm 2012, việc di dời tái định cư cho các hộ dân thuôc vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na phải hoàn tất nhưng đến nay các điểm tái định cư vẫn dang dở

Để thực hiện dự án này, hơn 4.700 nhân khẩu thuộc 1.326 hộ của 14 bản làng ở 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ phải di dời đến nơi ở mới. Theo kế hoạch đến tháng 3/2012 công tác di dời tái định cư cho người dân phải được hoàn thành thế nhưng hiện mới chỉ có gần 200 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na di dời đến nới ở mới.

Nguyên nhân được nhà đầu tư đưa ra là do địa bàn hiểm trở. Từ xã Đông Văn đến được khu tái định cư ở xã Tiền Phong (các địa điểm sinh sống cũ khoảng 30km) người dân phải vượt sông Chu hoặc men theo đường rừng. Trong khi đó, từ bản Cà Na (xã Thông Thụ) đến điểm tái định cư gần nhất là bản Na Xai Ngai (xã Tiền Phong) cũng phải mất 40km đường rừng hiểm trở hoặc kết bè xuôi sông Chu với 6 thác ghềnh. Với những cung đường hiểm trở, vượt núi băng sông này người dân đi bộ đã cực kỳ vất vả chứ chưa nói đến việc phải di dời nhà cửa cùng với các vật dụng sinh hoạt, sản xuất theo.

Thế nhưng theo ông Lang Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - thì nguyên nhân thực chất là do giá đền bù quá thấp nên bà con không chịu đi.

Công trình thủy điện "gặp khó" vì giá đền bù GPMB quá thấp - 2

Khu TĐC Huồi Siu - Huồi Lạn đang xây dang dở (ảnh chụp ngày 24/10/2011)

Ông Tuần cho biết, hiện tại theo bảng giá đền bù đất mà Ban giải phóng mặt bằng huyện và Công ty thủy điện Hủa Na áp dụng trên địa bàn xã Đồng Văn là 500 đồng/m2 đất rừng sản xuất và 40.000 đồng/m2 đất ở. “Tính ra giá đền bù 1m2 đất ở chưa bằng… 2 bát phở. Nhà nhiều thì được 200 triệu tiền đền bù, có nhà chỉ được 70 triệu. Người ta định giá tài sản đền bù từ năm 2008 mà mãi đến 2010 mới chi trả đền bù trong khi cái chi cũng trượt giá cả rồi. Bỏ nơi rừng xanh, vườn rộng đến nơi ở mới chật chội mà chỉ có ngần ấy tiền thì khó sống lắm”, ông Tuần cho biết thêm.

Tiến độ xây dựng các điểm tái định cư chậm

Để có đất cho các hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na sinh sống ổn định, chủ đầu tư đã khảo sát và xây dựng 16 điểm tái định cư nội huyện. Ngoài việc di dời người dân tới khu tái định cư Piêng Cu (xã Tiền Phong, Quế Phong), xã Đồng Văn có 4 điểm tái định cư nội xã gồm Nậm Nui - Nậm Kè, Huồi Dục - Huồi Mắn, Hủa Na 2 và Huổi Chà Là. Việc khảo sát, lập quy hoạch xây dựng các điểm tái định cư này được triển khai thực hiện ngay từ khi khởi công dự án công trình thủy điện Hủa Na nhưng hiện nay các điểm tái định cư này vẫn chưa xây dựng xong.

Công trình thủy điện "gặp khó" vì giá đền bù GPMB quá thấp - 3

Các điểm tái định cư ở xã Đồng Văn mới hoàn thành việc san nền

Điểm tái định cư Nậm Nui - Nậm Kè đã được khởi công từ tháng 3/2011 nhưng đến đầu tháng 9/2011 chưa xong phần san lấp mặt bằng. Một số điểm tái định cư, khu tái định cư đã hoàn thành nhưng người dân lại không chịu chuyển đến mặc dù hiện tại nhiều bản làng thuộc vùng lòng hồ đang đứng trước nguy cơ bị nước nhấn chìm. Nguyên nhân chính là các khu tái định cư này không được thực hiện đúng quy hoạch và không phù hợp với tập quán sinh sống của bà con. 

Vấn đề này được ông Lang Văn Tuần lý giải thêm: “Theo Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ huyện ủy Quế Phong thì mỗi hộ dân đến nơi tái đinh cư sẽ được cấp 400m2 đất ở và 400m2 đất vườn liền kề nhưng thực tế thì số đất chia các hộ dân lớn nhất cũng chưa đến 300m2. Nhà sát nhà, không có đất để bà con xây dựng chuồng trại và các công trình vệ sinh khác, 10-15 hộ dân mới có một cái giếng.

Theo quy hoạch mỗi khẩu sẽ được cấp 200m2 đất ruộng lúa, mỗi hộ 1ha đất trồng cây lâu năm và 2-3ha đất rừng để bảo vệ và quản lý. Vậy nhưng trên thực tế thì “chỉ tiêu” này khó đạt bởi hầu hết các điểm tái định cư đều có địa hình đồi dốc, cao. Đến nơi ở mới chật chội, tù túng, không có việc làm, không có đất sản xuất, đồng bào không đồng ý nên nhất quyết không đi. Bởi vậy kế hoạch di chuyển trung bình 100 hộ/tháng mà chủ đầu tư đề ra xem như không khả thi!

Công trình thủy điện "gặp khó" vì giá đền bù GPMB quá thấp - 4

Ông Lang Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn trao đổi: "Ngoài việc đền bù thấp, tiến độ xây dựng các điểm tái định cư quá chậm cũng khiến người dân không chịu di dời".

Gay go nhất hiện nay là hàng trăm học sinh thuộc 6 bản phải di dời chưa có trường học, đặc biệt là các cháu mầm non. Xã Đồng Văn phải “gửi” học sinh của 6 bản này đến nhờ các điểm trường của các bản gần đó.

Tại khu tái định cư Piêng Cu, mặc dù đã xây dựng từ lâu nhưng đến sát thềm năm học 2011-2012 chủ thầu mới khởi công xây dựng trường mầm non. Để có trường, lớp cho các cháu học, UBND xã Đồng Văn đã cho dân vào bản cũ tháo dỡ trường ra dựng tạm cho các cháu. Còn học sinh mầm non của 5 bản khác hiện vẫn đang phải duy trì dạy và học tại nơi cũ trong khi nước của lòng hồ thủy điện Hủa Na vẫn đang dâng nhanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong - cho biết: "Ngoài việc đền bù thấp và tiến độ các khu tái định cư chậm thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến việc di dời bị chậm tiến độ. Trong một lúc để đáp ứng mọi yêu cầu của người dân thì rất khó. Trước mắt chúng tôi tập trung vận động người dân đến nơi ở mới và sẽ tiếp tục bàn bạc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con sau".

Quang Anh - Nguyễn Duy