1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

Công trình nước sạch xuống cấp, dân bỏ tiền mua... nước bẩn

(Dân trí) - Để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình nước sạch. Nhưng hiện nay các công trình này đều xuống cấp, hư hỏng, khiến người dân phải “cắn răng” mua nước bẩn về dùng.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 82 trạm cấp nước sạch nông thôn. Nhưng đến thời điểm này, đa phần các trạm cấp nước sạch này đều xuống cấp, thậm chí nhiều trạm còn ngừng hoạt động. Do không có nước dùng nên nhiều hộ dân đành nhắm mắt dùng nước từ các công trình nước sạch xuống cấp, hoặc dùng nước mưa và nước giếng khoan.

 Trạm cấp nước sạch thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô bị xuống cấp từ lâu.
 Trạm cấp nước sạch thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô bị xuống cấp từ lâu.

Phản ánh của người dân xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, về trạm cấp nước sạch bị xuống cấp một cách nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Do bị xuống cấp, nên nguồn nước sinh hoạt từ nhà máy cung cấp cho người dân đã bị ô nhiễm nặng, việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt và sức khỏe của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Trí, xóm 9, xã Yên Mỹ bức xúc cho biết: “Trạm nước sạch cung cấp cho dân mà nước xả ra chậu thì có màu đục ngầu, phải lọc qua mới sử dụng được. Mà nước này có phải chúng tôi dùng miễn phí đâu, phải dùng tiền để mua. Chính vì bị ô nhiễm nên chúng tôi đã kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương, để có biện pháp khắc phục, nhưng vẫn không thấy có cơ quan đơn vị nào đứng ra xử lý”.

Người dân xã Yên Mỹ không chỉ bức xúc với tình trạng nước sạch bị ô nhiễm, đục ngầu, họ còn bức xúc vì phải mua “nước bẩn” với giá cao, theo ông Trí thì gia đình nào dùng từ 10m3/tháng trở xuống thì giá là 6.800đ/m3, từ 10m3 trở lên thì giá tiền là 8.000đ/m3. Để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt được đảm bảo, nhiều năm nay các hộ dân ở xã Yên Mỹ phải sử dụng nước mưa, nước giếng khoan.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết: “Đây là trạm cấp nước sạch do xã quản lý, nhưng từ nhiều năm nay, xã đã giao lại cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quản lý vận hành và thu tiền nước của người dân. Việc nhà máy xuống cấp và nguồn nước có bị ô nhiễm hay không chúng tôi cũng không nắm được”.

Là nơi cung cấp nước sạch, nhưng nhiều năm nay người dân phải mua nước sạch đục ngầu như nước sông.
Là nơi cung cấp nước sạch, nhưng nhiều năm nay người dân phải mua nước sạch đục ngầu như nước sông.

Năm 2014 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra tại 74/82 trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó có 3 trạm đang tạm ngừng hoạt động, 45/71 trạm cấp nước đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do thiếu biển báo giới hạn khu vực bảo vệ vệ sinh nguồn nước; 08/71 trạm cấp nước đang hoạt động có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do có bến đò neo đậu và các hoạt động khác của người dân trong khu vực bảo vệ nguồn nước; 03/71 trạm có vệ sinh ngoại cảnh không đảm bảo, 46/71 trạm không có bộ phận kiểm soát chất lượng nước; 04/71 trạm có hóa chất xử lý nước đã hết hạn…

Trong quá trình công tác, đoàn kiểm tra cũng đã lấy 140 mẫu nước tại 70 trạm cấp nước sạch nông thôn để xét nghiệm. Kết quả cho thấy chỉ có 22/140 mẫu nước đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT - Chất lượng nước sinh hoạt. Tại 70 trạm cấp nước sạch nông thôn được đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chỉ có 11/70 trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Hầu hết các trạm cấp nước được lấy mẫu xét nghiệm đều không đạt chuẩn, có nồng độ clo dư cao hoặc thấp hơn ngưỡng cho phép như: trạm cấp nước xã Yên Đồng, Mai Sơn, Yên Từ, huyện Yên Mô… một số trạm cấp nước có chỉ số Pemanganat cao như trạm cấp nước xã Yên Mỹ… Trong số 70 trạm cấp nước được lấy mẫu xét nghiệm thì có tới 59 trạm có kết quả không đạt như: trạm cấp nước xã Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Phú, Gia Trung, huyện Gia Viễn, trạm cấp nước xã Trường Yên, Ninh Vân, Ninh An, huyện Hoa Lư, trạm cấp nước xã Đồng Phong, Phú Lộc, Xích Thổ, huyện miền núi Nho Quan…

Người dân lo lắng trước nguồn nước ô nhiễm.
Người dân lo lắng trước nguồn nước ô nhiễm.

Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, PV liên hệ với ông Tống Xuân Toán - Giám đốc Trung tâm nước sạch. Trao đổi qua điện thoại, ông Toán cho biết: “Về vấn đề này chúng tôi đang làm thông tư 54 để báo cáo lên UBND tỉnh Ninh Bình, hiện tại chúng tôi đang điều tra, vì vậy chúng tôi chưa thể phát ngôn. Bao giờ được UBND tỉnh nhất trí thì chúng tôi mới phát ngôn, vì ở đây có quy chế phát ngôn riêng”.

Với kết quả xét nghiệm 140 mẫu nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình công bố, chỉ có 22/40 mẫu đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT - Chất lượng nước sinh hoạt. Tại 70 trạm cấp nước sạch nông thôn được đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chỉ có 11/70 trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn theo quy định. Với thực trạng như trên, người dân nơi đây thực sự rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân mình khi phải dùng chất lượng nước không đảm bảo.

Đức Văn