1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Bình:

Công trình nước sạch biến thành... chuồng bò

(Dân trí) - Được khởi công xây dựng rầm rộ rồi bỏ hoang, nhiều công trình nước sạch tiền tỷ ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đang “đắp chiếu”, biến thành vườn chuối, chuồng nuôi bò, trong khi hàng nghìn người dân địa phương luôn phải sống trong tình cảnh thiếu nước sạch.

Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Ninh Bình, Gia Viễn luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân. Năm 2006, theo dự án “Phân lũ, chậm lũ”, 21 xã trên địa bàn được cấp nguồn vốn từ 5 – 10 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân.

Công trình nước sạch xã Gia Phong, huyện Gia Viễn được đầu tư tiền tỷ hiện đang làm nơi nuôi nhốt trâu bò của người dân.
Công trình nước sạch xã Gia Phong, huyện Gia Viễn được đầu tư tiền tỷ hiện đang làm nơi nuôi nhốt trâu bò của người dân.

Nhiều xã trên địa bàn xây dựng xong công trình và đưa sử dụng gần 10 năm qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dự án xây dựng nửa chừng rồi bỏ hoang từ đó đến nay. Người dân, chính quyền địa phương các cấp nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không có kết quả. Các công trình tiền tỷ này không chỉ bị “đắp chiếu”, mặc mưa nắng hủy hoại, bị biến thành vườn trồng chuối, nơi nuôi nhốt trâu bò của người dân.

Ghi nhận của PV Dân trí tại công trình nước sạch xã Gia Phong, nằm trên diện tích hơn 100 m2, công trình này được xây dựng bên cánh đồng giờ bỏ hoang, không ai nhòm ngó tới.

Nhiều người dân ở đây mỗi khi được hỏi đến công trình nước sạch này chỉ biết thở dài chán ngán, vì với họ có công trình cũng như không. Nhiều người tỏ ra xót của bởi số tiền đầu tư xây dựng công trình hàng tỷ đồng, giờ coi như bỏ đi.

10 năm qua, dự án công trình nước sạch này mới chỉ xây xong tường bao quanh, hai khu nhà, nhà vệ sinh và bể chứa nước. Các hạng mục này cũng chỉ mới xây xong phần thô vì chưa được tô vữa, chưa có nền nhà, chưa có cửa… Hiện xung quanh khuôn viên công trình cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục xây xong chưa đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, tường đổ, nhiều nơi bị rêu mốc bám đầy. Cả công trình tiền tỷ nhìn không khác gì nhà hoang.

Nhà điều hành công trình nước sạch xã Gia Phong bên trong chất đầy rơm rạ khô
Nhà điều hành công trình nước sạch xã Gia Phong bên trong chất đầy rơm rạ khô

Đặc biệt hơn, nhiều năm qua thấy công trình bỏ không, người dân sống gần đây đã dùng các căn tại đây làm nơi nhốt trâu bò, chất đầy rơm rạ khô. Trâu bò phóng uế bừa bãi khiến công trình nước sạch bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Chung số phận, công trình nước sạch ở xã Gia Phương hiện cũng bị bỏ hoang, đắp chiếu nhiều năm, giờ trở thành… vườn chuối. Qua tìm hiểu được biết, công trình nước sạch này có mức đầu tư ban đầu là 4 tỷ đồng. Xây dựng được một thời gian, số vốn đội lên khoảng 8 tỷ đồng vào năm 2010 vì giá vật liệu tăng cao.

Tuy nhiên, dù đã được hỗ trợ kinh phí, công trình này vẫn không thể đưa vào sử dụng vì chục năm qua cũng mới chỉ xây dựng được hơn 60%.

Toàn bộ công trình được xây dựng bên con sông lớn, xa khu dân cư, hàng rào, các nhà chức năng, bể nước đều đã được xây dựng, lợp mái từ nhiều năm trước. Cổng vào được che chắn cửa khóa rất cẩn thận, tuy nhiên chức năng chính lại không phải là cung cấp nước sạch mà lại thành nơi... trồng chuối.

Công trình nước sạch xã Gia Phương xây dựng được khoảng 60% rồi đắp chiếu gần 10 năm qua.
Công trình nước sạch xã Gia Phương xây dựng được khoảng 60% rồi "đắp chiếu" gần 10 năm qua.

Công trình “cha chung không ai khóc” này giờ không ai nhòm ngó đến. Một người dân cho biết, đường ống nước đặt đến các hộ dân được xâu dựng từ lâu, chờ mãi không có nước sạch, nhiều hộ bức xúc đem chôn kín luôn ống dẫn nước, nhiều năm qua cũng không thèm để ý đến dự án nước sạch này nữa.

“Mong mỏi bao nhiêu năm để có được nước sạch dùng, khi nhà nước cho xây dựng công trình người dân chúng tôi vui lắm. Thời gian trôi đi, mong mỏi bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Chú thấy đó, công trình bao nhiêu là tiền của giờ bỏ hoang, quá là lãng phí”, một người dân nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, hơn 1.000 hộ dân ở xã Gia Phương phải bỏ tiền xây dựng bể nước mưa cỡ lớn dự trữ dùng quanh năm.

Ông Đào Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương, cho biết tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra trên địa bàn xã từ rất lâu, vì địa phương nằm bên nhánh cụt của sông Hoàng Long. “Bao nhiêu nguồn nước ô nhiễm từ nhiều nơi đều đổ về xã hết. Vì thế nước ngầm bị ô nhiễm, người dân không dùng được, hàng năm phải hứng nước mưa sinh hoạt”, ông Dậu nói.

Bên trong ngôi nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Bên trong ngôi nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch xã, thấy công trình nước sạch xây ở xã bỏ hoang nhiều năm qua, không chỉ người dân mà chính quyền xã cũng nhiều lần ý kiến lên cấp trên nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục vì tỉnh vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn, thừa nhận các công trình nước sạch trên địa bàn được xây dựng từ nguồn vốn “Phân lũ, chậm lũ”. Hiện trên toàn huyện vẫn còn 4 công trình nước sạch xây theo dự án này chưa hoàn thiện ở các xã Gia Phương, Gia Sinh, Gia Minh, Gia Phong.

“Dự án phân lũ chậm lũ trên địa bàn đã hết từ rất lâu, nguồn ngân sách của tỉnh thì không đủ để phân bổ hoàn thiện các công trình này nên huyện gặp nhiều khó khăn. Không biết đến khi nào các công trình này mới hoàn thiện đi vào sử dụng để phục vụ người dân được”, ông Anh nói.

Người dân biến công trình nước sạch tiền tỷ thành nơi trồng chuối, sắn, rau.
Người dân biến công trình nước sạch tiền tỷ thành nơi trồng chuối, sắn, rau.

Thái Bá